Hạ tầng xử lý nước thải đô thị: Cung không theo kịp cầu

Các đô thị lớn Việt Nam nói chung đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị còn nhiều hạn chế.

Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý có công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị.

Chỉ 13% nước thải được xử lý

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước mới chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt 13%. Việc đầu tư vào hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt rất nhiều thách thức, đòi hỏi ngành thoát nước phải có những hướng đi thích hợp. Và trong đó, đổi mới công nghệ, cải tiến giải pháp quản lý là những điểm chính yếu để từng bước xử lý nước thải, chống ngập úng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Xử lý nước thải đô thị cũng đang là vấn đề nhức nhối của TPHCM. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000m3/ngày đêm, gồm nhà máy Bình Hưng giai đoạn 1, Bình Hưng Hòa và Tham Lương - Bến Cát.

Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ khoảng 22%).

Hồ xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Hồ xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế này cũng cho thấy rõ việc xử lý không đáp ứng nhu cầu nước thải phát sinh của thành phố. Do vậy, TPHCM tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Dự báo, nếu cuối năm 2020 thành phố hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải (Bình Hưng giai đoạn 2, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2) thì lượng nước thải được thu gom xử lý nâng lên khoảng hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhìn nhận, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao ở lĩnh vực này, dự kiến cần tới 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

Trao đổi về nội dung này, PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết các thành phố lớn hiện nay được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cho xây dựng mạng lưới thu gom cũng như xây dựng nhà máy xử lý nước thải vẫn còn nhiều hạn chế.

Chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA, dẫn đến việc tốc độ đầu tư cũng như tốc độ xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom rất chậm. Có một trở ngại lớn trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị, đang rất cần cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp giải quyết.

Hiện không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp, nên chỉ có một số doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới mạnh dạn tham gia.

PGS-TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), cũng cho rằng việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có hướng đi phù hợp thì lĩnh vực này sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn. Việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước… là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị.

Tùy điều kiện cụ thể, chúng ta có thể áp dụng mô hình khác nhau nhưng mục đích chung vẫn là tính hiệu quả trong xử lý nước thải đô thị để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ha-tang-xu-ly-nuoc-thai-do-thi-cung-khong-theo-kip-cau-628407.html