Hà thành kim cổ ký: Chuyện điện Hà Nội

Thời bao cấp, dưới mỗi cột đèn là thân phận một con người, đa phần là cao tuổi, họ làm nghề bơm vá xe đạp. Bây giờ thì không còn vì xe đạp rất ít, nhưng cột đèn kiểu Pháp lác đác vẫn còn ở vài phố.

Nhà máy đèn Bờ Hồ

Nhà máy đèn Bờ Hồ

Ngày 6/12/1892, nhà máy đèn Bờ Hồ có công suất 0,5Mw chạy bằng dầu khởi công xây dựng. Sở dĩ người ta gọi là nhà máy đèn mà không gọi là nhà máy điện vì điện phát ra chỉ để dùng thắp đèn đường và phục vụ một vài công sở quanh khu vực Bờ Hồ. Công suất của nhà máy đèn Bờ Hồ được nâng dần lên đến năm 1897 là 300 mã lực và dự kiến lên tăng lên 850 mã lực vào năm 1899, do có thêm hai tổ máy phát điện đang lắp để đáp ứng nhu cầu thuê bao trong thành phố.

Tính đến ngày 1/1/1897, Hà Nội đã có 523 bóng điện thắp sáng cường độ 8 ampe trong đó có 55 bóng hồ quang để chiếu sáng 1.200m đường kè bờ sông. Mạng lưới đang được mở rộng bởi một hợp đồng đặt thêm những bóng đèn dây tóc mới giữa thành phố và công ty phát điện. Bên cạnh khu trung tâm, các phố đang xây dựng ở phía nam Hồ Gươm mà bây giờ là phố Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt cũng đã được chuẩn bị kéo dây điện và lắp đèn chiếu sáng. Cũng tính đến ngày 1/1/1897, cả thành phố còn 584 đèn dầu vẫn đang sử dụng để thắp sáng khắp vùng ngoại thành và một phần khu phố bản xứ (quận Hoàn Kiếm ngày nay). Số đèn dầu sẽ được tăng lên 30 ngọn đèn để chiếu sáng những con đường vẫn chưa được cung cấp.

Trong báo cáo Tình hình Đông Dương 1897-1901 của Toàn quyền Paul Doumer có đoạn: “Đèn điện đối với hệ thống chiếu sáng nhiều thành phố lớn của nước Pháp sẽ phải ghen tỵ với thành phố thủ phủ của Bắc Kỳ. Phần lớn các đường phố trung tâm và những nhà đều được hưởng điện thắp sáng”. Tuy nhiên, các phố nhỏ, ngõ ngách vẫn chưa có đèn. Đó là những chỗ tốt để cánh xe tay đánh Tây say rượu đi xe quỵt tiền.

Năm 1925, chính quyền khởi công xây nhà máy điện Yên Phụ và hai năm sau thì hoàn thành đã cung cấp điện cho hầu hết khu vực nội thành và một phần khu vực ngoại thành. Các cột điện bằng sắt hình thang được dựng khắp nơi và lúc này tàu điện mới thay điện máy phát bằng điện lưới. Hà Thành ngọ báo năm 1929 đưa tin về cái chết do điện giật của cô bé làm thuê ở phố Hàng Dầu: “Ông Ký Thiên đến sở, còn bà ký đi chợ Đồng Xuân, con sen ở nhà với mấy đứa trẻ, nó bật rồi lại tắt bóng đèn, lũ trẻ cười sằng sặc, rồi bỗng nhiên nó lăn đùng ra, mấy đứa trẻ tưởng chị Canh đùa, xông lại giật tay, co chân nhưng Canh bất động...”.

Thập niên 60, các đoàn kịch nói dựng vở về đề tài Hà Nội thì trang trí sân khấu không thể thiếu cột đèn điện. Cũng trong những năm này, nhà văn Trần Dần đã viết tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, bản thảo lưu lạc mãi đến năm 1988 mới trở lại với ông và được xuất bản năm 2011. Từ những năm 1973 đến 1976, do điện quá yếu và thiếu chỉ đủ để dùng chiếc quạt cóc 35 đồng nên học sinh lớp 10 (nay là lớp 12) ôn thi tốt nghiệp và thi đại học phải ra ngồi dưới cột đèn học thi. Tất nhiên phải sau 12 giờ đêm vì trước đó ánh sáng của bóng đèn dây tóc không đủ để nhìn thấy chữ. Ai gần khu vực Lăng Bác là sướng nhất vì đèn ở đây rất sáng. Đoạn Ngã Tư Vọng đến ngã tư Đại Cồ Việt, còn tệ hơn trên phố, bóng đèn chỉ đỏ sợi dây tóc. Cũng vì đèn đường như đom đóm mà tháng 12 năm 1974, có bà cụ bị lọt xuống hầm cá nhân trên hè phố Đại La. Sáng hôm sau người đi đường phát hiện ra nhưng cụ đã chết.

Thời bao cấp, dưới mỗi cột đèn là thân phận một con người, đa phần là cao tuổi, họ làm nghề bơm vá xe đạp. Bây giờ thì không còn vì xe đạp rất ít, nhưng cột đèn kiểu Pháp lác đác vẫn còn ở vài phố.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-kim-co-ky-chuyen-dien-ha-noi-a456748.html