Hà Thành Kim cổ ký: Chuyện làm quan ở đất Thăng Long

Trong một công trình nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng, dưới chế độ phong kiến có một đẳng cấp được đào tạo để suốt đời chuyên làm nghề cai trị dân chúng, đó là nghề làm quan.

Cũng theo Nguyễn Thừa Hỷ, cuộc sống giới quan liêu ở Thăng Long - Hà Nội xưa tiêu biểu cho đẳng cấp thượng lưu quý phái có đặc quyền. Họ được xã hội trọng vọng, được miễn trừ sưu thuế, tạp dịch, được chuộc tội bằng tiền, được Nhà nước cấp bổng lộc, đất ở, ruộng cày, có tiêu chuẩn độc quyền xây nhà cao, cửa rộng, dùng đồ sơn son thếp vàng, mặc đồ sa tầu, đoạn tầu, đi giày hài. Ra đường có phu khiêng võng, che lọng, lính hầu, dân phố phuờng thường phải rạp mình quỳ lạy mỗi khi có bậc quan lớn đi qua.

Công việc và hưởng thụ của giới quan liêu Thăng Long - Hà Nội cũng rất khác nhau. Ngạch quan bận rộn nhiều bổng lộc là các ngạch quan có liên quan đến các mặt xét xử kiện tụng, trưng thu thuế má, tiếp xúc nhiều với dân chúng mà trong sử gọi đó là “phì quan”. Còn các loại quan thuộc ngạch giáo dục, văn hóa và các vị tản quan (có hàm mà không có thực chức) công việc và bổng lộc đều ít, nhà Nho Phạm Đình Hổ gọi là quan “nhàn rỗi không đủ tiêu”. Trong khi một số quan có quyền thế thường sai gia nhân ra chợ mua hiếp của dân, sai tay chân đi cướp bóc những chậu cây cảnh hiếm quý của các nhà giàu, thì một số đông khác đời sống hàng ngày vẫn rất thanh bạch.

Nghề làm quan ở kinh đô Thăng Long có khi đưa con người ta đến chốn tột đỉnh giàu sang, nhưng cũng phải trả giá bằng nhiều nỗi nhọc nhằn. Hàng ngày, từ trong nhà ra ngoài phố, ở công đường, nơi triều chính, tiếp xúc với đủ mọi loại hạng người, kẻ làm quan phải suy nghĩ để lựa thái độ ứng xử sao cho phải lễ, phải đạo, hợp luật, hợp lệ. Nơi kinh kỳ đô hội “quan trên trông xuống người ta trông vào”, lại càng phải cẩn trọng, khỏi bị sai phạm trong các kỳ đàn hạch, khảo khóa, nơm nớp mong được thăng quan, những cũng luôn lo bị giáng chức.

Hàng ngày của giới quan liêu trấn trị ở Thăng Long - Hà Nội phải tiếp xúc với dân phố để thu thuế, nhận đơn, xử kiện. Chính ở những quan hệ này đã nảy sinh ra các tật kinh niên phổ biến ở giới quan liêu là tệ lộng quyền và nạn tham nhũng. Dằn vặt cuối cùng và cũng là lớn nhất của những người làm quan còn giữ được thiên lương ở Thăng Long - Hà Nội xưa, là xác định thái độ ứng xử đối với bản thân.

Các quan ở mọi cấp bậc, một mặt vừa là bầy tôi tớ của nhà vua và triều đình, là người chăn dắt dân chúng, người rao giảng đạo thánh hiền, mặt khác lại là người nho sĩ trí thức hiểu biết có lý tưởng, một số là các tài tử văn nhân đa tình, tóm lại, họ cũng là những con người với đầy đủ những khát vọng vừa thánh thiện vừa trần tục. Đó chính là những nhân cách lưỡng phân, hai con người cùng tồn tại trong một con người. Vậy sống ra sao đây? PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng thời thịnh trị, lúc thuận buồm xuôi gió thì không nói làm gì, còn ở những buổi nhiễu nhương, với đầy trăn trở mâu thuẫn, họ phải chọn lựa một thái độ. Uốn mình theo lễ, tự thủ tiêu nhân cách, thuận theo thói tục hay lựa chiều chèo chống, xuất xử quyền biến, chọn cách ứng xử trung dung “hòa nhi bất đồng”, “biệt nhi vô dị”.

Giữ trọn tiết tháo, rũ bỏ danh lợi phồn hoa, treo ấn từ quan lui về ẩn nơi thôn dã, bạn với ngư tiều, hay cứ ở lại ẩn giữa chốn thành thị, tìm niềm an ủi, tìm thế cân bằng trong hành lạc tiêu dao hoặc trong thế giới tâm linh. Ở đây không có lời giải đáp nào là khuôn mẫu.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-kim-co-ky-chuyen-lam-quan-o-dat-thang-long-a451274.html