Hà thành kim cổ ký: Tiếng đàn cung nữ họ Hà

Nằm trên bán đảo phía đông hồ Tây, chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất đất kinh kỳ Thăng Long-Hà Nội. Đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với lịch sử gần 1.500 năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tương truyền, chùa được xây dựng lần đầu vào thời vua Lý Nam Đế (544-548), trên bãi sông Hồng, thuộc địa phần làng An Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (tương ứng với phía ngoài đê Yên Phụ ngày nay). Tên ban đầu là chùa Khai Quốc. Chùa là một trung tâm Phật giáo dòng Vô Ngôn Thông, từng có như vị sư chủ trì nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo như: Văn Phong, Khuông Việt.

Vào năm Đại Bảo (1440-1442) chùa có tên khác là An Quốc. Năm 1615 đời vua Lê Kinh Tông, chùa bị nước lũ sông Hồng gây xói lở có nguy cơ sụp đổ nên dân các làng quanh vùng xin phép được di vào bên trong đê và xây trên gò Kim Ngưu (cá vàng). Đời vua Lý Thánh Tông (1054-1071) gò có cung Thúy Hoa. Đến đời Trần có cung Hàm Nguyên làm nơi nghỉ mát cho hoàng gia. Đến thời Hậu Lê điện cũ chỉ còn là nền đất.

Chùa An Quốc từng nhiều lần được trùng tu, mở rộng. Năm 1628, triều vua Lê Thần Tông cho xây thượng điện, tam bảo, tiền đường, hậu đường, đài đốt hương. Bia Dương Hòa 1639 do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn cho biết “năm 1639 trùng tu làm thêm tam quan, hậu đường và hành lang hai bên”. Năm Chính Hòa (1680-1704) đời vua Lê Hy Tông chùa đổi tên thành Trấn Quốc. Chùa Trấn Quốc từng là nơi chúa Trịnh Sâm tổ chức những cuộc chơi không tính hết bao nhiều lạng bạc, miễn sao chúa vui là được. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ kể chuyện chơi rằm Trung thu của Trịnh Sâm “Dàn nhạc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc ẩn ở bóng cây, bến đá nào đó tấu nhạc”.

Thời Lê - Trịnh, chúa Trịnh đã cho xây một dãy hành cung tại đây. Rồi thời cuộc rối ren nên chúa Trịnh không ra đây nghỉ ngơi nữa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có một số cung nữ già giữ việc quét tước, trông nom chùa trong đó có cung nữ họ Hà có tài đánh đàn. Mỗi khi đêm khuya thanh vắng, cung nữ họ Hà lại đem đàn ra gẩy, tiếng đàn mang nặng tâm tư, cảm thương cho thân thế quạnh hiu cô đơn. Thế nhưng, cung nữ họ Hà không biết bên ngoài có khách tri âm, tỏ tình đồng điệu. Cuối thế kỷ XVIII, chiến tranh đã tàn phá nhiều hạng mục của chùa. Năm 1815, dân các làng quanh vùng quyên giáo sửa chữa lại. Sau lần trùng tu này và thêm mấy lần trùng tu nữa nhưng cơ bản quang cảnh chùa vẫn thế.

Năm 1842, vua Thiệu Trị ra Bắc đã đến thăm chùa cho đổi tên thành chùa Trấn Bắc nhưng dân chúng vẫn gọi là Trấn Quốc. Chùa xơ xác tiêu điều khiến Bà huyện Thanh Quan phải thốt lên:Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu/Khách qua đường dễ chạnh lòng đau/Mấy giò sen rớt hơi hương ngự/Năm thức mây phong nếp áo chầu…

Năm 1959, chùa Trấn Quốc đón Tổng thống Ấn Độ Prasat đến thăm. Ông mang sang tặng cây bồ đề chiết từ gốc cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo cách đây hơn hai nghìn năm. Cây bồ đề ấy nay rất tốt tươi, vươn cành xòe tán trong sân chùa. Cách đây không lâu, nhân chuyến sang dự hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN-Liên bang Nga lần thứ hai, chiều 30/10/2010, Tổng thống Nga Demitri Medvedev đã đến thăm chùa. Trong năm 2017 và 2018, Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sang làm việc với Việt Nam cũng thăm Trấn Quốc. Chùa Trấn Quốc ngày nay là điểm tham quan không thể thiếu của tour du lịch đến Hà Nội. Cuối năm 2016, báo Dailly Mail của Anh đã xếp Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-kim-co-ky-tieng-dan-cung-nu-ho-ha-a451125.html