Hà thành kim cổ ký: Từ bãi đá bóng thành sân Hàng Đẫy

Năm 1934, khi Hà Nội được mở rộng về phía Nam, đã thu hồi phần đất rộng 3 ha vốn thuộc sở hữu của trường Thể dục Hà Nội (EDEP). Chính quyền thời đó đã đền cho EDEP mảnh đất có diện tích tương tự nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ. Địa danh 'Bãi đá bóng Hàng Đẫy' có từ thuở đó.

Sáng lập EDEP là các ông Nguyễn Quý Toản, Bùi Đình Tịnh. Nhằm khuyến khích thanh thiếu niên Hà Nội tập luyện thể dục, thể thao “không để cho thực dân Pháp coi thường người Việt Nam ta!”, ngày 29/10/1934, ông Bùi Đình Tịnh, hiệu trưởng EDEP làm đơn xin Thống sứ Bắc Kỳ cho chuyển EDEP thành một tổ chức hội đoàn mang tên hội Thể dục Bắc Kỳ (SEPTO). Kèm theo đơn là bản “Điều lệ tổ chức SEPTO”, cùng các thành viên Hội đồng quản trị lập ngày 27/10/1934 do ông Nguyễn Quý Toản đề xướng.

Từ năm 1936 đến 1938, bãi bóng đá Hàng Đẫy được SEPTO tiến hành xây dựng, có tường bao quanh. Khán đài A bằng gỗ, gồm 400 chỗ ngồi. Mặt sân được san phẳng để chơi bóng. Song, những người sáng lập SEPTO chỉ làm được đến thế vì kinh phí có hạn. Mặt sân vẫn lồi lõm và bị ngập úng mỗi khi mưa, trong sân không có khu vệ sinh, không có nơi tắm rửa cho cầu thủ và vận động viên.

Năm 1956, ngay sau ngày thành tái lập ban Thể dục thể thao T.Ư, Chính phủ đã xúc tiến xây dựng lại sân Hàng Đẫy. Ngày 16/2/1957, công trình được khởi công và hoàn thành sau 18 tháng xây dựng. Chiều 24/8/1958, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội long trọng làm lễ khánh thành sân vận động mới. Sân vận động này được xây dựng trong hoàn cảnh Hà Nội là thành phố bị tạm chiếm trong kháng chiến chống Pháp và khi tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn mới thấy hết ý nghĩa của công trình này.

Nếu 20 năm trước, sân SEPTO chỉ rộng 19.738m2, với 400 chỗ ngồi thì sân Hàng Đẫy mới có diện tích sàn 21.844m2, với 25.000 chỗ ngồi. Riêng khán đài A có mái che chiếm 2/3 chiều dài phố Trịnh Hoài Đức. Sân có 14 cửa ra vào và 3 cửa chính ở khán đài A, B. Ngoài ra, còn có 128 phòng phục vụ sinh hoạt ăn ở của vận động viên, trọng tài và huấn luyện viên. Bên cạnh đó, còn có sân bóng rổ, bóng chuyền, bãi nhảy cao, nhảy xa, ném tạ, ném đĩa… đúng quy chuẩn quốc tế.

Từ bãi đá bóng Hàng Đẫy đến SEPTO và sân vận động Hàng Đẫy đã có rất nhiều đổi thay. Nếu lần xây dựng đầu tiên còn rất thô sơ thì lần xây dựng năm 1957 lại khá quy mô và hiện đại nhất của thập niên 50 thế kỷ trước. Vào thập niên 90, sân Hàng Đẫy cũng có vài lần tu sửa, chỉnh trang như lắp hệ thống chiếu sáng mới hiện đại, chỉnh sửa mặt sân, thay cỏ, trải thảm nhựa ta-tăng cho đường pitch điền kinh; lắp ghế ngồi, đồng hồ điện tử, bảng điện tử; mở rộng và hoàn thiện các khán đài A,B, C, D và nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi.

Sân Hàng Đẫy không chỉ là nơi diễn ra các trận bóng của các đội ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện thể dục thể thao lớn. Hàng Đẫy cũng là nơi diễn ra các trận đấu trong giải bóng đá quân đội các nước XHCN thập niên 60 và 80 thế kỷ 20. Những trận đấu bóng vào chiều mùa hè các bậc xi măng nóng rát nhưng sân vẫn kín chỗ. Thời bao cấp, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn nhưng những khán giả yêu bóng đá Thủ đô sẵn sàng nhịn ăn để mua tấm vé chợ đen vào sân xem bóng đá.

Mới đây dự án xây dựng lại sân mới đã được công bố và trong tương lai không xa, sân vận động Hàng Đẫy, niềm tự hào một thời sẽ trở thành sân vận động hiện đại của Hà Nội.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-thanh-kim-co-ky-tu-bai-da-bong-thanh-san-hang-day-a455473.html