Hà Tĩnh: Bất thường trong việc giải ngân hỗ trợ người dân làm mô hình kinh tế

Mặc dù được huyện chuyển về 500 triệu đồng để làm mô hình kinh tế 4 tầng nấc, nhưng xã Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) chỉ giao cho 2 hộ dân tổng cộng 220 triệu đồng; hơn nửa số tiền còn lại được dùng để chi cho các nội dung xây dựng mô hình

Trụ sở UBND xã Yên Hồ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) chọn hộ anh Nguyễn Đức Hà (SN 1968, thôn Quy Vượng) và hộ anh Phạm Viết Cừ (SN 1979, thôn Trung Nam Hồng) để triển khai mô hình kinh tế tổng hợp từ chuyển đổi đất lúa (gọi tắt là mô hình 4 tầng nấc).

Tháng 10/2020, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Thọ đã cấp cho xã Yên Hồ số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn Văn phòng Nông thôn mới tỉnh. Tuy nhiên, xã Yên Hồ chỉ hỗ trợ hai mô hình 220 triệu đồng (hộ anh Hà 150 triệu đồng và hộ anh Cừ 70 triệu đồng). Số tiền còn lại (280 triệu đồng) địa phương dùng để chi phí cho các nội dung liên quan đến việc xây dựng mô hình.

Để thực hiện mô hình, anh Phạm Viết Cừ đã bán 2 chiếc xe ô tô (1 xe tải ben, 1 xe con), 2 chiếc máy gặt. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ việc gặt lúa thuê hàng năm, anh đều đổ dồn vào đây với tổng toàn bộ chi phí gần một tỷ đồng. Ngoài ra, được sự chỉ đạo và hứa hẹn của lãnh đạo Văn phòng Nông thôn mới, anh Cừ đã vay mượn thêm tiền làm một ngôi nhà giữa hồ để tham quan trải nghiệm, tuy nhiên do kinh phí eo hẹp nên sau khi đổ cọc bê tông xong thì phải dừng lại.

Sau khi chạch sụn và tôm thẻ không có đầu ra và bị thương lái ép giá, anh Cừ chuyển sang nuôi tôm càng xanh và ốc bươu

Ông Nguyễn Đức Hà (chủ mô hình kinh tế tổng hợp từ chuyển đổi đất lúa) cho biết: “Họ hứa hẹn sẽ cấp nguồn bổ sung và yêu cầu làm thêm mô hình, đào ao đắp bờ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện đầy đủ giấy tờ, hóa đơn các thứ để cấp nguồn bổ sung thì lại nói rằng do mô hình chồng chéo nên không được nữa”.

Theo phản ánh của 2 hộ dân thực hiện mô hình, để nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi đó, họ phải mua 2 hóa đơn đỏ (mỗi hộ 1 hóa đơn) với tổng số tiền trên 10 triệu đồng. Trong khi đó, tiền chi phí hội họp các thứ chiếm hơn một nửa, hóa ra tiền cưa cao hơn tiền gỗ.

Lý giải về vấn đề này bà Mai Thị Thanh Hà, Kế toán ngân sách xã Yên Hồ cho biết, huyện về 500 triệu đồng, địa phương đã hỗ trợ cho 2 mô hình để mua giống, vật tư với tổng số tiền 263 triệu đồng.

Cũng theo bà Hà, số kinh phí còn lại (237 triệu đồng - PV) được dùng để chi phí cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm nghiệm các mẫu đất, mẫu nước, kinh phí thuê tư vấn lập hồ sơ, xây dựng phương án dự toán, tập huấn, học tập kinh nghiệm, hội thảo, tổng kết.

Ngôi nhà để tham quan trải nghiệm xây dựng dang dở do kinh phí eo hẹp.

Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ giải ngân, bà Hà một mực từ chối với lý do: “Về hồ sơ thì không phải ai cũng cung cấp được. Bởi vì theo nguyên tắc tài chính thì đây là hồ sơ bí mật. Nếu phòng Tài chính có văn bản về đây thì chúng tôi mới đưa hồ sơ ra”.

Sau đó, bà Hà nói thêm: “Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch chỉ đạo hồ sơ này khi nào có các chuyên đề thì mới cung cấp để làm việc. Còn không có chuyên đề thì thôi, mong anh thông cảm”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định, việc trả lời và cung cấp thông tin cho báo chí thuộc thẩm quyền của UBND xã, vì xã có cả một hệ thống bộ máy chính trị. Việc đó không liên quan gì đến Phòng Tài chính và Phòng Tài chính cũng không có thẩm quyền can thiệp xuống xã.

''Được hứa hẹn cấp nguồn bồ sung để triển khai mô hình nhưng cuối cùng không được nên người dân mất niềm tin.

Được đầu tư gần cả tỷ đồng để triển khai nhưng do đầu ra không ổn định nên những mô hình kinh tế 4 tầng nấc nói trên không thực sự phát huy được hiệu quả. Sau khi giải ngân, dường như không thấy sự xuất hiện của cơ quan quản lý mô hình cũng như chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, đánh giá tổng kết.

Ông Bùi Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ thừa nhận, hiện đang có 3 mô hình chưa tổng kết được. Cuối năm 2021 địa phương định hội thảo đánh giá thành công và hạn chế để bổ cứu, nhưng do vướng dịch Covid-19. Hơn nữa lãnh đạo Văn phòng Nông thôn mới bị như thế (bị kỷ luật - PV) nên chưa làm được. Đáng ra phải tổng kết xem có nên nhân rộng hay không vì đây là mô hình thí điểm.

Trần Hoàn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/ha-tinh-bat-thuong-trong-viec-giai-ngan-ho-tro-nguoi-dan-lam-mo-hinh-kinh-te-5000826.html