Hà Tĩnh: Cô gái 9x xinh đẹp nhận giải Lương Định Của nhờ 4000m2 nhà màng trồng dưa thu tiền tỷ

Để có tiền làm hệ thống nhà màng và mua cây giống, chị Thắm đã thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của mình và người thân để vay 2 tỷ đồng. Sau 4 năm chị đã lần lượt thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất nông sản đem lại giá trị kinh tế cao.

Chị Thắm tại vườn dưa lưới của mình

“Lúc đầu, ông bà nội ngoại phản đối quyết liệt do cả tỉnh chưa ai làm. Thời gian này gia đình vô cùng khó khăn, nhiều lúc trong nhà không có lấy 1 đồng để đi chợ. Nhưng em quyết tâm vì thấy nhiều nơi loại cây này đem lại giá trị kinh tế cao”, chị Thắm chia sẻ.

Lê Thị Thắm (1991) sinh ra trong một gia đình thuần nông, tốt nghiệp Đại học Tài Nguyên Môi Trường, khoa khí tượng nông nghiệp. Chị Thắm là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu đại diện cho thanh niên toàn quốc sẽ nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2018.

Về quê với bao ấp ủ dự đinh, để phát triển kinh tế gia đình, thay đổi tư duy tập quán canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, tận dụng các cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh đối với các mô hình kinh tế tập thể, Thắm mạnh dạn thành lập tổ hợp tác (THT) trồng nấm hoa dược liệu xã Xuân Mỹ với 7 thành viên. Sau 3 năm vật lộn, Thắm đã “thuần hóa” được giống hoa ly khó tính trồng trên đất Xuân Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế.

Hệ thống nhà màng sản xuất nông sản hiện đại với quy mô hơn 4.000m2

Cuối năm 2017, Thắm bắt tay trồng thử vụ dưa lưới đầu tiên. Thắm chỉ sử dụng 1 nhà màng để trồng 2.000 cây dưa lưới giống Israel và 2 nhà màng trồng dưa chuột bao tử.

Sau 3 tháng chăm sóc, vụ dưa đầu tiên thu được khoảng 2 tấn, lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Nhận thấy, cây dưa lưới đem lại hiệu quả lớn, vụ tiếp theo Thắm dành hẳn 3 nhà màng với diện tích 3.000m2 để chuyên trồng loại cây này.

Thắm cho biết: “Cây dưa lưới ưa ánh nắng, càng nắng thì càng ngọt. Đặc biệt là giai đoạn thụ phấn, nếu không có nắng thì không đậu quả được. Do đó cần phải tính toán đúng thời điểm. Nhưng nắng với độ ẩm cao, sâu bệnh dễ hoạt động, trồng theo công nghệ cao không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên đòi hỏi cần chăm sóc tỉ mỉ”.

Để đáp ứng yêu cầu ở những thị trường khó tính, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của Vietgap và được các cơ quan chức năng công nhận. “Cứ hết việc cơ quan là vợ chồng em lại dành hết thời gian cho khu nhà màng. Càng tỉ mỉ bao nhiêu thì càng tránh được nhiều rủi ro, bởi chỉ cần 1 cây gặp sâu bệnh không phát hiện kịp sẽ lây rất nhanh qua các cây khác”, Thắm bật mí.

Theo tính toán của chị Thắm, hiện nay, giá dưa trên thị trường giao động từ 50.000 – 70.000đ/kg. Mỗi năm, thu hoạch 3 vụ dưa. Sản lượng trung bình đạt 10,5 tấn/vụ, thu gần 500 triệu đồng. Trừ chi phi sản xuất, lao động thì lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng mỗi vụ tương đương với gần 1 tỷ/năm.

Ngoài lợi ích kinh tế mang lại cho bản thân và gia đình, Thắm còn tạo công ăn, việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ có mức lương từ 4- 5 triệu đồng/ tháng.

Thành quả của 9x dám nghĩ, dám làm

Để có được thành quả như ngày hôm nay, trước đó Thắm đã từng được mệnh danh là “chuột bạch” với nhiều giống hoa khó tính như : Hoa ly, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lưu ly… đến nay cũng đã cho thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng.

Dưa lưới được trồng tại đây đảm bảo quy chuẩn VietGap

Dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong sản xuất, chị Lê Thị Thắm là một trong 50 gương mặt tiêu biểu của thanh niên toàn quốc vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của 2018 - giải thưởng của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh thanh niên tiêu biểu trong SXKD, chuyển giao tiến bộ KHKT, phát triển ngành nghề.

ANH ĐỨC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ha-tinh-co-gai-9x-xinh-dep-nhan-giai-luong-dinh-cua-nho-4000m2-nha-mang-trong-dua-thu-tien-ty-634275.ldo