Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về trẻ em, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để tạo dựng một môi trường sống an toàn, yêu thương cho thế hệ măng non.

Tạo môi trường phát triển toàn diện cho trẻ

Trẻ em là tương lai của đất nước và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được thể hiện rõ trong từng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, trẻ em ngày càng được sống trong yêu thương, hạnh phúc.

Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định quyền của trẻ em, trách nhiệm của toàn xã hội như: Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; các chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em…

Từ những chính sách ưu việt đó, hiện nay, ở Việt Nam, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% trẻ em đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em các lứa tuổi. Đời sống tinh thần, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng.

Các cấp, ngành chọn tháng 6 hằng năm làm Tháng Hành động vì trẻ em nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và tạo dựng môi trường sống an toàn, phát triển lành mạnh cho thế hệ măng non.

Tháng Hành động vì trẻ em được các cấp, ngành tích cực hưởng ứng. Ảnh tư liệu.

Tại Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể luôn quan tâm thực hiện các chủ trương, chính sách về trẻ em. Trong tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đối tượng trẻ em luôn được quan tâm đầu tư xây dựng như: sân bóng, khu vui chơi giải trí, thư viện, không gian sinh hoạt câu lạc bộ tại các nhà văn hóa cộng đồng, bể bơi...

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều chính sách đầu tư, phát triển mang lại hiệu quả. Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đầu tháng 4/2024, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2013), đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (năm 2015); 13/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3…

Hà Tĩnh chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục.

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao. Giai đoạn 2022-2023, tổng ngân sách đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi gần 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đầu tư cho giáo dục, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng được phối hợp triển khai sâu rộng, bài bản. Hằng năm, các sở, ngành như: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn… ban hành các văn bản, công văn liên ngành về công tác trẻ em, trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể các hoạt động sẽ triển khai trong năm học, trong dịp cao điểm hoạt động thiếu nhi vào tháng 5, tháng 6. Các đơn vị cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, góp phần bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em được các cấp bộ đoàn, hội đồng đội tổ chức. Ảnh: Tư liệu

Anh Nguyễn Viết Hải Đăng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: “Phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, các cấp bộ đoàn, hội đồng đội toàn tỉnh thường xuyên quan tâm, đổi mới tổ chức các hoạt động đội theo phương châm “lấy đội viên, thiếu nhi làm trung tâm”; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em, góp phần tạo điều kiện cho thiếu nhi được rèn luyện và phát triển toàn diện.

Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 câu lạc bộ, đội, nhóm kỹ năng được thành lập, thu hút trên 200.000 lượt đội viên, thiếu nhi tham gia; hơn 1.800 điểm loa phát thanh tự động, phao cứu sinh phòng chống đuối nước; trên 1.300 lớp học bơi, dạy bơi miễn phí cho trẻ em mỗi năm; 250 công trình thư viện xanh; hơn 500 điểm vui chơi cho thiếu nhi được xây dựng…”.

Chăm sóc và yêu thương

Trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn đến trẻ em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Tư liệu

Đóng chân tại xã biên giới Sơn Hồng (Hương Sơn), Đồn Biên phòng Sơn Hồng đã có nhiều đóng góp làm đổi thay cuộc sống của người dân địa phương nói chung, tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo, trẻ mồ côi nói riêng.

Thượng úy Phạm Thái Sơn - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sơn Hồng cho biết: “Đơn vị thường xuyên kết nối, kêu gọi nguồn lực tổ chức các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ trẻ em vùng biên giới như: “Nâng bước em đến trường”, “Bánh chưng xanh”, “Trung thu cho em”… Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, hiện nay, đơn vị đang nhận nuôi 6 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các cháu được cán bộ, chiến sĩ của đồn coi như con em, tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo”.

Ngoài hoạt động của lực lượng biên phòng tại các xã biên giới, các tổ chức, đoàn thể cũng thường xuyên triển khai những chương trình đỡ đầu nuôi dưỡng hằng tháng; tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, vùng sâu, vùng xa trong những dịp lễ, tết.

Với sự kêu gọi, khâu nối của hội phụ nữ các cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Không chỉ đơn thuần là những suất quà mà đó còn là sự quan tâm, sẻ chia hơi ấm, tình yêu thương của cộng đồng xã hội với những đứa trẻ kém may mắn; là nỗ lực kéo gần khoảng cách giữa trẻ em vùng đồng bằng với vùng núi, trẻ em có điều kiện sống khá giả với trẻ em nghèo.

Hơn 2 năm triển khai, chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN tỉnh đã trở thành chương trình ý nghĩa, nhân văn, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu và kêu gọi nguồn lực từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đỡ đầu 792 trẻ mồ côi với số tiền cam kết gần 16 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trương Thị Lượng cho biết: “Kết quả đó là nỗ lực của các cấp hội và sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn hàng nghìn trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng để các em được đỡ đầu, có điểm tựa vươn lên trong cuộc sống”.

Trẻ em được sống trong tình yêu thương, tạo điều kiện để phát triển toàn diện.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Giang (SN 2009, trú thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Mồ côi cha mẹ nên cuộc sống của em rất khó khăn. Từ năm 2023, em được nữ công Công đoàn thị trấn Thiên Cầm nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/năm. Số tiền này đã giúp em trang trải chi phí trong cuộc sống và học tập, là nguồn động viên lớn để em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường”.

Xã hội quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện; gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng nhân cách, phát triển thể chất và tư duy đầy đủ nhất cho trẻ em. Sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội chính là nền tảng vững chắc, là hành trang đẹp đẽ để trẻ bước vào đời. Một môi trường sống an toàn, đủ đầy tình yêu thương là điều cần thiết để mỗi đứa trẻ yên tâm sống hạnh phúc và lớn lên vững vàng.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-dac-biet-quan-tam-cong-tac-bao-ve-cham-soc-giao-duc-tre-em-post266230.html