Hà Tĩnh di dời hạ tầng đường điện phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam

Việc di dời hạ tầng đường điện phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam khá phức tạp, khó khăn và mất nhiều thời gian, các địa phương ở Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai thực hiện.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Can Lộc đang được thi công.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Can Lộc đang được thi công.

Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua 8 xã và 1 thị trấn của huyện Can Lộc với tổng chiều dài 19,4km. Theo thống kê, địa phương này cần bàn giao 168 ha đất các loại với hơn 2.000 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.886 hộ có đất sản xuất nông nghiệp, 254 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, tài sản trên đất và di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật, cất bốc gần 800 ngôi mộ...

Với việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác GPMB và sự đồng thuận, ủng hộ cao từ người dân, tới nay, Can Lộc đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 97,47%, góp phần cho dự án được thi công đúng tiến độ.

Các cột điện mới đã được dựng lên để chuẩn bị thay thế hệ thống cột cũ nằm trong phạm vi GPMB cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.

Với mục tiêu bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh, Can Lộc đang tập trung cao cho công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam. Huyện đã khởi công xây dựng 5 khu tái định cư ở các xã Quang Lộc, Sơn Lộc, Trung Lộc và Kim Song Trường và đang chuẩn bị thực hiện việc xét giao đất tái định cư.

Một phần việc cũng đang được địa phương này đẩy nhanh là thực hiện di dời các công trình, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường điện nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam.

Đơn vị thi công tiến hành dựng móng cột điện để chuẩn bị di dời hệ thống đường điện ở đoạn qua xã Quang Lộc, huyện Can Lộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn, qua kiểm tra, huyện cần phải di dời 56 vị trí cột điện trung thế 35kV và 22kV với đường dây dài 7,11km (3,98km đường dây 35kV; 3,13km đường dây 22kV), 29 vị trí cột hạ thế (đường điện sinh hoạt 0,4kV) với chiều dài gần 2,7km và 1 trạm biến áp 35kV – 0,4kV.

Cùng với đó, huyện sẽ phải xây dựng mới 3,3km đường dây trung thế, cấp điện áp 22kV; 4,6kmm đường dây trung thế, cấp điện áp 35kV; 2,6km đường dây hạ thế, 1 trạm biến áp (trạm biến áp Song Lộc 7 công suất 100 kVA-35/0,4kV) và tiến hành thu hồi các tuyến đường dây trên không, trạm biến áp sau khi thực hiện cải tạo, di dời hệ thống điện.

“Trong thực hiện GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam, việc di dời hạ tầng đường điện là một trong những phần việc phức tạp, khó khăn bởi dù là chủ đầu tư nhưng địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này và trình tự thủ tục, hồ sơ cũng như việc thống nhất phương án xử lý, cắt điện rất phức tạp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn đánh giá.

Việc đúc móng cột, cột điện mới đang được nhà thầu tập trung thực hiện.

Khó khăn là vậy, song với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh, vào đầu tháng 3, huyện Can Lộc phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình di dời, cải tạo đường điện phục vụ GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 44,3 tỷ đồng. Giữa tháng 4, huyện đã ký hợp đồng thi công xây dựng với liên danh nhà thầu ở Hà Tĩnh và Nghệ An với giá trị hợp đồng 32,6 tỷ đồng, thực hiện trong 90 ngày.

Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, nhà thầu đã tiến hành đúc móng cột và đúc cột điện. Tới cuối tháng 5, đã bắt đầu thi công chôn móng cột tại một số vị trí ở Kim Song Trường, Quang Lộc, Trung Lộc... và thống nhất thời gian cắt điện các khu vực nhà thầu đấu nối đường dây tạm, thu hồi hệ thống dây điện cũ trong phạm vi đường cao tốc.

Theo kế hoạch của huyện Can Lộc, tới cuối tháng 6 này sẽ cơ bản hoàn thành việc di dời hạ tầng đường điện và có thể bàn giao mặt bằng chủ đầu tư triển khai dự án.

Hệ thống đường điện 220kV ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà nằm trong phạm vi GPMB cao tốc Bắc - Nam.

Trong khi đó, với 18,27km tuyến chính cao tốc Bắc - Nam và 2 tuyến kết nối (đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài) đi qua địa bàn, huyện Thạch Hà cần di dời 3 vị trí đường điện cao thế (1 vị trí đường dây 220kV, 2 vị trí đường dây 110kV) và 35 vị trí, 1 trạm biến áp thuộc đường điện trung thế, hạ thế nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho hay: Thời điểm này, địa phương đã xây dựng hồ sơ xin thỏa thuận, trình thẩm định và Sở Công thương đã có văn bản thẩm định đối với 35 điểm giao chéo, 1 trạm biến áp thuộc hệ thống điện trung, hạ thế. Đến nay, huyện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực di dời.

Huyện Thạch Hà đang lựa chọn nhà thầu đủ năng lực di dời hệ thống điện trung thế, hạ thế phục vụ triển khai cao tốc Bắc - Nam.

Đối với đường điện cao thế 220kV, huyện đang hoàn thiện chỉnh sửa hồ sơ, trình Công ty Truyền tải điện 1 để tổng hợp trình Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia xem xét, thỏa thuận giải pháp kỹ thuật, phương án di dời. Còn đường điện 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã có văn bản về việc thỏa thuận di dời và huyện đã trình Sở Công thương thẩm định phương án.

Với 102,38 km tuyến chính cùng 12,18 km của 3 tuyến kết nối cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn, Hà Tĩnh cần phải di dời hạ tầng đường điện, gồm 2,08km đường dây 500kV, 2,44km đường dây 220kV, 1,6km đường dây 110kV, 463km đường dây trung thế và 9,5km đường dây hạ thế.

Thời gian qua, các địa phương ở Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện di dời hạ tầng đường điện phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, phần việc này khá phức tạp, mất nhiều thời gian, bởi không chỉ các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm mà nhà thầu đủ năng lực có thể đảm nhận di dời đường điện cũng khá hạn chế.

Việc di dời hạ tầng đường điện phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam gặp không ít khó khăn, phức tạp.

Cùng với đó, hồ sơ thủ tục di dời hết sức phức tạp, nhất là với đường điện cao thế 220kV, 500kV, cần phải xin ý kiến thỏa thuận phương án di dời của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và trình Cục Năng lượng tái tạo Bộ Công thương thẩm định, dẫn tới thời gian kéo dài.

Tuy vậy, với mục tiêu đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam đúng thời hạn, các sở, ngành và địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác di dời hạ tầng đường điện.

Theo đó, hệ thống đường dây cao thế 500kV, 220kV, các địa phương TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ đang hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và huyện Đức Thọ đã có thỏa thuận và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công thương thẩm định.

Hệ thống đường dây 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã có ý kiến thỏa thuận phương án, các địa phương đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Sở Công thương.

Các địa phương ở Hà Tĩnh đang nỗ lực di dời hạ tầng đường điện để dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai đúng tiến độ.

Đối với hệ thống đường điện 35kV trở xuống, Sở Công thương đã thẩm định xong các địa phương Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh; huyện Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh đang phối hợp Sở Công thương thẩm định...

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp tích cực với Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Truyền tải điện Hà Tĩnh trong khâu nối với các đơn vị cấp trên của ngành điện để thỏa thuận phương án thiết kế, thi công đường dây điện nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Quỳnh Chi

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dau-tu/ha-tinh-di-doi-ha-tang-duong-dien-phuc-vu-thi-cong-cao-toc-bac--nam/249621.htm