Hà Tĩnh đối thoại doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư

Chiều 12-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh chủ trì đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn Hà Tĩnh để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi đối thoại.

Những năm qua, Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư từ quy hoạch, hạ tầng đến cơ chế chính sách, hỗ trợ nguồn lực. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Trung tâm Hỗ trợ PTDN và XTĐT tỉnh để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc, bất cập mà đòi hỏi sự đồng hành, nỗ lực một cách thực sự từ cả phía chính quyền lẫn doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, bên cạnh việc ghi nhận nỗ lực thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công đồng doanh nghiệp của địa phương, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thẳng thắn nêu lên những trở ngại, rào cản đối với phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua như: chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa có bước đột phá, chỉ số PCI tuy có tăng thứ hạng trong hai năm liên tục nhưng vẫn có một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng thấp so với cả nước. Công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn bất cập, chồng chéo; hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ dẫn đến có lúc DN phải làm việc với nhiều đoàn kiểm tra, nội dung trùng lặp...

Tiếp thu và làm rõ thêm những những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, địa phương đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh tại địa phương, từ đó làm đầu kéo thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương cùng phát triển.

“Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đang thuê tư vấn nước ngoài để triển khai điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó, tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành KKT động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế…” Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Sau khi hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh sẽ thông báo công khai rộng rãi, để cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược, lựa chọn lĩnh vực, hình thức đầu tư phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung rà soát những cơ chế, chính sách đã ban hành, kịp thời bổ sung, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp; bãi bỏ những quy định cản trở đến việc thu hút đầu tư, sử dụng các nguồn lực để đầu tư. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mới đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh, mang tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tế của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, tính đến ngày 5-10-2018, Hà Tĩnh có 6.697 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Trong đó, có 4.956 doanh nghiệp, 526 chi nhánh, 158 văn phòng đại diện và 530 địa điểm kinh doanh.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 806 dự án đầu tư vào Hà Tĩnh, trong đó có 735 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 106.921 tỷ đồng và 71 dự án đầu tư nước ngoài (từ 12 nước) với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 12 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn của các tập đoàn ngoài nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động (như: dự án Nhà máy Thép - Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, cảng Việt - Lào...), đã phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, tính đến ngày 5-10-2018, Hà Tĩnh có 6.697 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Trong đó, có 4.956 doanh nghiệp, 526 chi nhánh, 158 văn phòng đại diện và 530 địa điểm kinh doanh.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 806 dự án đầu tư vào Hà Tĩnh, trong đó có 735 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 106.921 tỷ đồng và 71 dự án đầu tư nước ngoài (từ 12 nước) với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 12 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn của các tập đoàn ngoài nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động (như: dự án Nhà máy Thép - Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, cảng Việt - Lào...), đã phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37900902-ha-tinh-doi-thoai-doanh-nghiep-cai-thien-moi-truong-dau-tu.html