Hà Tĩnh: Đóng cửa mỏ sắt nghi là 'thủ phạm' khiến nước đổi màu tại Ngàn Trươi

Sau những nghi vấn cho rằng mỏ sắt tại xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang) là nguyên nhân chính khiến nước tại đập dâng Ngàn Trươi chuyển màu, ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ra quyết định số 2601/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sản sắt tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Mỏ khai thác sắt tại huyện Vũ Quang do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Quyết định nêu rõ, đóng cửa mỏ khoáng sản sắt có diện tích 30 ha, tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang đã cấp cho Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 212/GP-UBND ngày 22/1/2008 của UBND tỉnh, với lý do mỏ chưa khai thác (đang còn nguyên trạng-PV).

Theo quyết định này, mục đích đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất (thu hồi) cho địa phương để quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.

Yêu cầu Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện thủ tục bàn giao đối với khu vực có diện tích nêu trên, để địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Giao UBND huyện Vũ Quang, UBND xã Sơn Thọ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực mỏ; Sở TN&MT, Quỹ bảo vệ môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát, hướng dẫn Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh thực hiện.

Ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ra quyết định số 2601/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sản sắt tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Được cấp phép khai thác khoáng sản theo Giấy phép số 212/GP-UBND ngày 22/1/2008, trên diện tích 30 ha tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, dự án do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được xây dựng vào năm 2008 với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2009, nhà máy đi vào hoạt động với mục tiêu đạt khối lượng 500.000 tấn quặng/năm, nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh).

Nhà máy từng được kỳ vọng rất lớn về giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Vũ Quang nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Tuy nhiên từ năm 2010, Nhà máy thép Vạn Lợi bị “chết lâm sàng” do thiếu vốn, vì thế nguyên liệu do khai thác tại mỏ sắt không thể tiêu thụ. Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang cầm cự được gần 2 năm thì cũng ngừng hoạt động do nợ xấu lên đến gần 100 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, tháng 8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ sắt tại xã Sơn Thọ với lý do: “Sau hơn chín năm, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh không thực hiện đầu tư khai thác khoáng sản mà không có lý do bất khả kháng; không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định”.

Đập dâng Ngàn Trươi, nơi nước bị chuyển màu suốt nhiều tháng nay.

Sau nhiều năm tưởng chừng như đã đi vào quên lãng, thì gần đây mỏ sắt Vũ Quang lại được nhắc đến và trở thành đề tài chính trong các cuộc tranh cãi về nguyên nhân khiến nước chuyển màu tại đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Theo đại diện Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT), do mưa lớn nên lượng sắt từ Nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang tự oxy hóa, chảy theo khe Trươi đổ về đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang khiến nước chuyển màu.

Tuy nhiên, nhận định này không tìm được tiếng nói chung với quan điểm của Sở TN&MT Hà Tĩnh, nên cũng chưa được coi là kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc.

Trần Hoàn

Từ khóa: Đóng cửa mỏ sắt Hàm lượng sắt vượt ngưỡng Đập dâng Ngàn Trươi Nước chuyển màu đỏ đục Bốc mùi hô thối Huyện Vũ Quang

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ha-tinh-dong-cua-mo-sat-nghi-la-thu-pham-khien-nuoc-doi-mau-tai-ngan-truoi-post309059.info