Hà Tĩnh không được chủ quan với diễn biến tiếp theo của mưa lũ

Chiều 15/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tâm bão di chuyển nhưng hậu quả để lại nặng nề, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung cao độ để ứng phó, không chủ quan với diễn biến của mưa lũ.

Cột phát sóng Đài Truyền hình-Truyền thanh thị xã Kỳ Anh cao gần 100m bị bão quật đổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra tình hình mưa bão, công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả ở huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi nghe lãnh đạo huyện Kỳ Anh và các ngành chức năng báo cáo công tác triển khai phòng chống bão số 10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhân định: tâm bão đã di chuyển nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao độ để ứng phó, không chủ quan với diễn biến tiếp theo của mưa lũ.

Chia sẻ những khó khăn mà nhân dân huyện Kỳ Anh nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung đang phải gánh chịu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: trước mắt cần tập trung thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và ưu tiên hỗ trợ thuốc men, lương thực để người dân ổn định cuộc sống, sớm khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh chủ động theo dõi sát diễn biến hoàn lưu sau bão để tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng nguy hiểm.

Theo thống kê sơ bộ, đến cuối chiều 15/9, tại huyện Kỳ Anh có khoảng 25.000 nhà dân bị tốc mái; nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan bị sập đổ, hư hại mái che, mái nhà để xe.

Toàn huyện có 5.000ha cây gỗ nguyên liệu (keo, tràm) và cây ăn quả bị đổ gãy; 150ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bi thiệt hại; hệ thống đê điều, giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng; trong đó đoạn đê đi qua thôn Nam Hải ở Kỳ Hải bị sạt lở nghiêm trọng.

Còn tại Nghệ An, bão số 10 đã làm chết một người là bà Đào Thị Thức, 83 tuổi, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò và làm bị thương một người là ông Ngụy Đình Ẩn, 60 tuổi, trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ.

Thống kê sơ bộ ban đầu của các địa phương trong tỉnh, đến 17 giờ 30 phút ngày 15/9, bão số 10 đã làm tốc mái ít nhất 210 nhà, 4 điểm trường; ngập úng 510ha lúa, 1.788ha ngô và rau màu, 179ha nuôi thủy sản.

Một số đê, kè biển cũng bị hư hỏng, sạt lở như đê Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long bị sạt lở 320m; kè đê biển tại thị xã Hoàng Mai sạt lở 400m, nước tràn qua đê.

Hiện nay, tại Nghệ An, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện để tiếp tục ứng cứu, hỗ trợ các địa phương cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống phức tạp liên quan đến bão số 10 khi có yêu cầu.

Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các ngành, địa phương và người dân cảnh giác, đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão; lên phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá; chuẩn bị công tác hậu cần như lương thực, thuốc men… để làm tốt công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả.

Tại đây, bão số 10 đã gây mưa lớn, làm cho 307 trong tổng số 625 hồ đập trong tỉnh đầy nước, 318 hồ còn lại mực nước đang ở mức 80 -90%.

Hiện nay, một số hồ chứa nước đang có nguy cơ mất an toàn do mực nước dâng cao tại các huyện Yên Thành, Con Cuông, Quỳnh Lưu…

Các hồ này đang được các địa phương và công ty thủy lợi đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn./.

Hoàng Ngà-Văn Nhật (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ha-tinh-khong-duoc-chu-quan-voi-dien-bien-tiep-theo-cua-mua-lu/466389.vnp