Hà Tĩnh: Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác lâm sản trái phép

Phát hiện người dân tự ý san ủi đường, khai thác lâm sản khi chưa được cơ quan chức năng cho phép tại núi Cụp Cờ (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Khu vực rừng ở Khoảnh 1, tiểu khu 371 bị đốt trụi.

Đốt trụi rừng không thương tiếc

Bức xúc trước việc “lâm tặc” phá rừng không thương tiếc, nguy cơ ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và cuộc sống, nhiều người dân thôn Hòa Hợp (xã Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm đơn phản ánh lên chính quyền địa phương. Nhận được phản ánh, và dưới sự dẫn đường của người dân bản địa, chiều ngày 6/8, PV Đại Đoàn Kết đã vượt rừng lên hiện trường trực tiếp “mục sở thị” cảnh tàn phá rừng của “lâm tặc” nơi đây.

Để tiếp cận được đỉnh núi Cụp Cờ xã Kỳ Tân - nơi “lâm tặc” đang hoành hành, và tránh không bị phát hiện, chúng tôi quyết định băng qua dãy núi Đồng Bạc (xã Kỳ Văn) – dãy núi dựng đứng với chằng chịt dây leo. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ leo bộ đường rừng chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường.

Trong vai những người đi săn ong rừng, khi đến Khoảnh 1, Tiểu khu 371 núi Cụp Cờ, địa phận xã Kỳ Tân, nhóm chúng tôi phát hiện 2 người đàn ông đang “quây” xung quanh khoảnh rừng đã bị đốt cháy đen kịt, khói đen chờn vờn quanh núi, một số đốm lửa đang cháy âm ỉ. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng rất đau xót, một khoảng diện tích rừng rất lớn đã bị đốt cháy chỉ trơ lại những gốc cây thông tương đối lớn đã bị đốn hạ.

Dọc những con đường rộng hơn 3m được các đối tượng thuê máy xúc đào mở trước đó là những đống gỗ thông đã được cưa theo những kích thước nhất định. Khối lượng bao nhiêu thì không thể đếm xuể nhưng theo ước lượng của “người dẫn đường” thì lên đến hàng trăm khối gỗ bởi tại hiện trường hàng chục đống gỗ đang nằm chỏng chơ giữa đường. “Trời ơi, sao họ có thể phá rừng một cách tàn bạo đến như thế!” – một người đi cùng trong nhóm chúng tôi thốt lên.

Khoảng rừng cao lưng chừng núi Cụp Cờ đã bị các đối tượng thuê người san phẳng, đốt trụi để khai thác gỗ. Nếu mưa xuống thì toàn bộ đất, đá sẽ cuốn theo dòng nước, ập xuống vùng hạ du một cách dễ dàng bởi ở khoảnh rừng này không có vùng cây nào để đất, đá bám víu nữa. Mạn bên kia của khoảnh rừng bị đốt có một đối tượng đang cầm máy cưa xăng cắt cây gỗ, tiếng máy kêu vang rền, chát chúa. Phát hiện chúng tôi quay phim, chụp ảnh, đối tượng này thách thức và chỉ vài giây sau tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ” phá rừng của mình.

Cưa xăng vừa dứt, cây thông gần 20 năm tuổi “tứa máu”.

Ngang nhiên phá rừng tự nhiên

Vượt qua khu rừng bị đốt cháy nham nhở, men theo lối đi đã đào sẵn, băng qua những cồn gỗ thông sắp lớp trên đường, hướng theo tiếng cưa xăng đang hoạt động tốc lực, chúng tôi băng rừng tiếp cận khu vực phía trên Tiểu khu 371. Cách khu vực bị đốt gần 1km, nhóm chúng tôi bắt gặp 3 người (1 phụ nữ, 2 người đàn ông) đang vác gỗ thông từ phía dưới lên sắp ngay ngắn trên đường vận chuyển.

Hỏi thăm người phụ nữ bịt kín mặt đang vác gỗ, chị này cho hay nhóm người này chỉ nhận làm công cho ông “Sơn Cảnh” (trú xã Kỳ Tân), một ngày mỗi người được trả công 200 nghìn đồng và đã làm được 6-7 ngày. Trực tiếp đến “mục sở thị” nơi nhóm người vừa dứt cưa, hàng loạt cây gỗ thông vẫn còn đang “tứa máu” nhựa. Trên chóp núi Cụp Cờ, nhóm người làm công còn dựng lán trại để nghỉ ngơi và tấp xăng dự trữ, cùng đồ dùng để ăn uống. Một người phụ nữ khác tên Liên cho hay đã làm được ở đây được hơn 15 ngày nhưng chưa lấy tiền công. “Khi nào xong việc lấy tiền luôn một thể”, chị này nói.

Dọc con đường ngang sườn núi mới đào phát, hàng loạt đá tảng to đùng nằm ngan ngác chỉ chực lăn xuống, gần lán trại có 2 người đàn ông, 1 người vác gỗ còn một người đang dùng cưa xăng cố gắng cắt từng cây thông thành khúc để người khác vác lên tập kết ở đường vận chuyển. Khi chúng tôi tiếp cận, hai người này cố tình che mặt và trả lời thoái thác.

Phản ánh với PV, anh Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, thôn Hòa Hợp, xã Kỳ Văn) cho biết, những năm 1999-2001, gia đình anh cùng người dân Kỳ Tân, Kỳ Văn được vận động nhận khoán trồng rừng, phủ xanh đất trồng, đồi trọc theo Dự án 661. Năm 2013, bố anh Kiên là ông Nguyễn Thanh Hiền nhận khoán hơn 8.000m2 đất tại Khoảnh 5, Tiểu khu 357B (địa phận xã Kỳ Văn) và tự bỏ vốn ra trồng rừng.

“Tôi và các thành viên trong gia đình trực tiếp đưa hơn 2.500 cây thông lên đây trồng rừng phủ xanh đồi trọc, đến nay đã gần 20 năm nhưng gia đình tôi chưa hề khai thác một cây gỗ nào. Bây giờ họ đào đường lấn sang phần đất của gia đình tôi hàng chục mét mục đích là để khai thác gỗ thông, may là tôi kịp thời phát hiện và yêu cầu dừng lại nếu không họ sẽ đốn hết khoảnh rừng này. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để giữ rừng, giữ môi sinh cho bà con nhân dân”, anh Kiên bức xúc nói.

Lán trại được dựng lên để phục vụ cho việc khai thác trái phép lâm sản.

Chính quyền làm ngơ?

Chiều 6/8, ngay tại hiện trường, chúng tôi gọi nhiều cuộc điện thoại cho ông Lê Văn Phâng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân để trình báo sự việc và đề nghị chính quyền địa phương trực tiếp đến hiện trường vụ khai thác rừng ngang nhiên này nhưng ông Phâng không hề nghe máy. Còn ông Lê Khắc Hữu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho hay, vụ việc đã được lập biên bản đình chỉ 1 lần. “Họ chưa chặt phá rừng mà chỉ mới làm con đường lên mục đích là khai thác rừng thông để chặt keo” – ông Hữu nói?

Tuy nhiên, sau khi nghe PV phản ánh về tình trạng chặt phá rừng ngang nhiên giữa ban ngày của 1 nhóm người, ông Hữu liền phân trần: “Rừng này giao cho xã quản lý, xã làm hồ sơ giao cho hộ dân sản xuất chứ không thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm… Ngày mai chúng tôi sẽ triển khai cuộc họp để xử lý vụ việc này”.

Sáng ngày 7/8, PV có cuộc làm việc trực tiếp với chính quyền xã Kỳ Tân. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phâng cho biết, chiều tối ngày 6/8, các ông Nguyễn Hà Ngọc, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh; Nguyễn Hữu Hảo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; Lê Xuân Lành, Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Lê Minh Hải đã trực tiếp lên hiện trường kiểm tra và lập biên bản vụ việc. Song, thời điểm lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các đối tượng phá rừng đã rời khỏi hiện trường.

Theo ông Phâng, trước đó, ngày chiều 13/7, chính quyền xã Kỳ Tân đã lập biên bản về việc hộ ông Phan Hồng Sơn (trú thôn Xuân Thọ, xã Kỳ Tân) cho máy mở đường phục vụ sản xuất tại Khoảnh 1, Tiểu khu 371. Thời điểm lập biên bản, chính quyền địa phương xác định ông Sơn mới mở đường rộng 3m, dài 50m, diện tích đất giao cho ông Sơn là 1ha. Tuy nhiên, biên bản lại kết luận: “Hộ dân mở đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp trên diện tích được giao quản lý không quá 20% theo quy định. Đề nghị UBND xã Kỳ Tân chỉ đạo kiểm tra giám sát và yêu cầu chủ hộ không mở đường và xây dựng các công trình phục vụ sản xuất lâm nghiệp vượt quá diện tích cho phép (tối đa 30%)”.

Theo biên bản này thì ông Phan Hồng Sơn không hề sai phạm gì. Và chỉ ít ngày sau đó, toàn bộ vùng đất này đã được ông Sơn thuê người đốn hạ toàn bộ gỗ thông, củi, đốt sạch bóng cây rừng tự nhiên. Trong khi hộ ông Phan Hồng Sơn đang trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa hề có phương án sản xuất cũng như phương án khai thác lâm sản ở chính mảnh đất được cho là đã giao cho ông Sơn sản xuất.

Đáng nói là “Biên bản kiểm tra hiện trường khai thác lâm sản tại xã Kỳ Tân” được lập vào ngày 7/8 không hề đề cập đến diện tích đất hộ ông Phan Hồng Sơn đã khai thác và đốt cháy mà chỉ ghi nhận hiện trạng khai thác trái phép rừng tự nhiên do xã quản lý ở khu vực phía trên đỉnh Cụp Cờ với diện tích là 2 ha…

Trước sự việc khai thác rừng trái phép một cách rầm rộ, ngang nhiên, lộ liễu giữa ban ngày như vậy nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không hề hay biết, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự tiếp tay của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng? Đề nghị cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng trái phép tại núi Cụp Cờ.

Lửa vẫn âm ỉ cháy.

Gỗ đã khai thác để ngổn ngang trên đường vận chuyển.

Những đống gỗ khủng chất đầy trên đường chờ vận chuyển xuống núi.

Một cây gỗ khủng đã bị đốn hạ.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-tra/lam-tac-ngang-nhien-cao-troc-rung-giua-ban-ngay-tintuc412068