Hà Tĩnh: Lãi suất huy động 'lao dốc', lãi vay ở các ngân hàng vẫn cao

Trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh thì mức giảm lãi suất cho vay chưa đáng kể. Điều này đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.

Thời gian qua, các ngân hàng ở Hà Tĩnh đồng loạt giảm lãi suất huy động. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 8/2023, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như: Techcombank, Bắc Á Bank, VPBank, Sacombank... tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm, đưa mức cao nhất về trên 7%/năm. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm tới 3-4%/năm, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo rà soát, mặt bằng lãi suất huy động hiện đã trở về mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm chưa tương xứng với mức giảm lãi suất huy động vốn.

Theo phản ánh, lãi suất huy động “lao dốc”, song, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng lại giảm chưa tương xứng. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho khách hàng.

Bà Lương Thị Tuyết - Kế toán tổng hợp Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cho hay: “Đơn vị chuyên may gia công xuất khẩu mặt hàng bảo hộ lao động sang thị trường Nhật Bản và mặt hàng thời trang xuất đi Mỹ, Ấn Độ... Suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như chi phí sản xuất gia tăng đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đang phải chịu lãi suất cho vay cao. Đơn vị đang vay hàng chục tỷ đồng tại Vietcombank Hà Tĩnh với gói vay trung hạn, lãi suất trên 10%/năm và gói vay ngắn hạn với lãi suất trên 8%/năm. Điều này là chưa tương xứng với xu thế giảm lãi suất tiền gửi hiện nay".

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP May xuất khẩu MTV.

Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường Hùng Thuận (xã Mai Phụ, Lộc Hà) đang nuôi 20 ha ngao thương phẩm và 15 ha ngao giống trên địa bàn 2 huyện Lộc Hà và Thạch Hà. Những năm qua, HTX vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích. Từ đầu năm lại nay, lãi suất cho vay tăng dần nên ảnh hưởng lớn tới hoạt động của đơn vị.

Ông Lê Xuân Hùng – Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường Hùng Thuận cho biết: “2023 là năm khó khăn khi thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá ngao thương phẩm thấp hơn nhiều so với những năm trước; trong khi đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện có giảm, song, mức giảm chưa tương xứng. Do lãi cao (trên 8%/năm) nên HTX vừa phải xoay xở để trả 3 tỷ đồng cho Agribank huyện Lộc Hà. Số dư nợ còn lại (250 triệu đồng), đơn vị cũng sẽ cố gắng trả trong thời gian sớm nhất".

Cũng theo ông Lê Xuân Hùng, đầu ra ngao thương phẩm khó khăn, HTX hiện đang có ý định đầu tư thêm mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đơn vị mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động và tăng doanh thu.

Đầu ra thu hẹp, giá ngao thương phẩm thấp nên HTX Nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường Hùng Thuận đang tính chuyện chuyển hướng sản xuất.

Đối với các gói vay tiêu dùng, người dân cũng đang chật vật khi lãi vay ngân hàng giảm “nhỏ giọt”. Chị Nguyễn Thị Tâm (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Đầu năm 2021, gia đình vay 350 triệu đồng để mua xe ô tô với lãi suất trên 7%/năm. Từ đầu năm 2023, lãi suất cho vay liên tục tăng, có thời điểm gần 12%/năm nên khoản nợ mua xe trở thành gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm xuống 10%/năm, song, tôi thấy mặt bằng lãi suất này vẫn cao, đề nghị các ngân hàng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân”.

Từ đầu năm lại nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã “hạ nhiệt” nhanh và mạnh. Tuy vậy, lãi suất cho vay giảm còn chậm (hiện đã giảm từ 1 - 2%/năm so với đầu năm) và mức giảm chưa đồng đều ở các lĩnh vực.

Được biết, ngày 14/8/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ra văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm.

Để tiếp tục ổn định thị trường, các tổ chức tín dụng cần có giải pháp để giảm lãi suất cho vay với mức giảm tương xứng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Người dân vay vốn tiêu dùng đang gặp khó do lãi suất cho vay còn cao.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh chấp hành nghiêm túc các quy định về điều hành lãi suất trên của Thống đốc NHNN Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần.

Tính đến ngày 20/7/2023, lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,4 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,3 - 7,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.

Lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến 4 - 10%/năm, trung dài hạn phổ biến 9,5-13%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-4,5%/năm; trung, dài hạn phổ biến mức 6-6,1%/năm.

Thảo Hiền - Ngọc Loan

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/ha-tinh-lai-suat-huy-dong-lao-doc-lai-vay-o-cac-ngan-hang-van-cao/253024.htm