Hà Tĩnh: Nghề nhọc nhằn mưu sinh dưới cái nắng hơn 40 độ C

Tại Hà Tĩnh, tính đến hôm nay đã gần một tuần phải chống chịu cái nắng chói chang trên 40 độ C. Thời tiết khắc nghiệt như vậy, nhưng một số người dân vẫn phải lao động để kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi sống gia đình.

Đây được gọi là đầu hè nhưng tỉnh Hà Tĩnh những ngày qua nắng nóng đỉnh điểm lên tới 42 độ C. "Tôi về đây sinh sống cũng đã gần 15 năm, nhưng năm nay mới thấy cái nắng nóng gay gắt đến sớm như vậy, tại vùng đất chảo lửa này đã có rất nhiều hồ nước vơi cạn, cây trồng khô héo, người dân thiếu nước sinh hoạt"… anh Trình sống tại thị trấn Hương Khê nói.

Nghề thợ rèn dưới cái nắng hơn 40 độ C tại huyện miền núi Hương Khê.

Nghề thợ rèn dưới cái nắng hơn 40 độ C tại huyện miền núi Hương Khê.

Tiếng búa chát chúa vùng chảo lửa

Ngược về miền sơn cước huyện Hương Khê cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng chừng 40-50km chúng tôi tìm tới nhà ông Đạo rèn - cách gọi của người dân bản địa. Ngôi nhà nhỏ nép mình bên tuyến đường sắt Bắc - Nam nằm ngay tại trung tâm thị trấn Hương Khê, nơi đây tấp nập người dân đến mua, sửa chữa dụng cụ làm nông như dao, rạ, liềm chấu, cuốc, xẻng…

Ông Đạo tỉ mỉ trong khâu mài dao để có thành phẩm tốt nhất

Bên ấm chè xanh quê nhà, ông Đạo với mái tóc bạc theo thời gian chỉ về góc nhà có nhiều sắt thép lộn xộn cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nghề rèn tại xã Tiến Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Xuất ngũ năm 1979 tôi trở lại với nghề truyền thống cha ông để lại. Năm 2004 được sự giới thiệu của bạn bè nên gia đình tôi quyết định vào đây lập nghiệp. Gia đình tôi chọn vị trí nơi gần ga tàu để thuận tiện trong khâu vận chuyển nguyên liệu cũng như về thăm quê, ai dè dần dần thành quen nếp sống nơi này luôn.

Tôi năm nay đã 61 tuổi, nên cũng đã truyền lại nghề cho 2 thằng con trai. Cầm chiếc búa dáng cao rồi buông xuống chiếc dao vừa thui trong lò ra, ông Đạo cho biết, không phải ai có sức khỏe thì làm được nghề này đâu. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ từng bước như khâu chọn nguyên liệu và quan trọng là các kỹ năng rèn.

Anh Khánh cặm cụi luyện dao dưới cái nắng trên 40 độ C

Nói đến đây ông Đạo liền rời chiếc ghế thấp (gọi là đòn - dân bản địa) lại uống cốc nước chè rồi rít một hơi thuốc lào trong xưởng lửa đã đỏ rực cộng với thời tiết nắng nóng rát cả làn da thêm khói thuốc lào càng khiến không khí thêm ngột ngạt. "Để có được sản phẩm hoàn mỹ thứ nhất phải sắc, bén và đẹp cả ngoại hình… Tuổi cũng đã cao tôi hầu như cũng đã truyền lại cho hai thằng con trai, các chú muốn nắm thông tin gì cứ hỏi chúng", ông Đạo nói.

Chúng tôi hỏi chuyện anh Phạm Văn Khánh, mới 36 tuổi nhưng đã thành thạo các kỹ năng để cho ra những sản phẩm phục vụ bà con nông dân. Bên lò luyện sắt, anh Khánh cho biết, bén duyên với nghề sớm và được thừa hưởng kỹ năng từ cha, đến nay anh Khánh dường như đã làm chủ xưởng rèn này. Công việc rất vất vả, hiện các sản phẩm công nghiệp tràn ngập thị trường, chúng tôi muốn giữ và khẳng định sản phẩm của mình thì phải tỉ mỉ từ khâu lựa chọn vật liệu rồi đến khâu tôi luyện cho ra thành phẩm một cách tuyệt đối mới thu hút được khách hàng.

Mặc cho cái nắng chói chang cộng với nhiệt độ từ lò rèn đôi lúc lên đến 42 độ C, cậu út của ông Đạo vẫn cần mẫn hoàn thiện sản phẩm

Cùng với anh Khánh, cậu em Phạm Văn Mạnh, 34 tuổi đang mài dao, đây cũng được gọi là khâu quan trọng cuối cùng để hoàn thành sản phẩm. Anh Mạnh tự hào nói: Nghề rèn này cao quý lắm chú à, chúng tôi xem những sản phẩm như cái bát, đôi đũa ăn cơm hằng ngày, phải nâng niu và cẩn thận từng chi tiết. Nhất là về mùa nắng nóng này chúng tôi rất vất vả vì phải làm việc trong môi trường nóng rát, hiệu quả lại không cao. Hằng ngày chúng tôi làm được chục sản phẩm thì mùa này chỉ làm được 5, 6 sản phẩm.

Theo ông Đạo, cả gia đình ông hằng ngày làm ra được 30 sản phẩm, mỗi sản phẩm bán dao động từ 25 ngàn đến 130 ngàn, như liềm chấu chỉ 25 ngàn, dao 50 ngàn, cuốc xẻng 130 ngàn đồng… bình quân thu nhập của gia đình mỗi người được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Cái nghề đã vất vả nay còn vất vả thêm vì thời tiết tại huyện Hương Khê mấy ngày nắng đỉnh điểm lên đến 42 độ C.

Nghề nhuộm màu da

Ngoài nghề lò rèn thì nghề hàn xì (cơ khí - pv) cũng được coi là nghề “nhuộm da”. Trên các tỉnh, thành cả nước nghề cơ khí cũng được chú trọng nhiều, kể cả các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, nghề này cũng chiếm phần đa công nhân nhưng chủ yếu là nam giới.

Nghề cơ khí cũng được coi là nghề vất vả trong thời tiết như hiện nay

Dưới thời tiết nắng nóng đỉnh điểm tại tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi tìm về xưởng cơ khí tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh. Nơi đây các công nhân đang miệt mài hàn từng múi hàn dưới nhiệt độ trong nhà khoảng chừng 40 độ C, cái nghề bắt buộc phải tỉ mỉ từng ly từng tý nên nắng nóng đến mức nào thì công nhân cũng phải chú trọng cẩn thận từng đó. Lỡ sơ suất sai một ly đi một dặm.

Với khuôn mặt sạm đen anh Hùng một thợ cơ khí tại Hà Tĩnh cho biết, nghề nghiệp bọn em thì phải tiếp xúc với điều kiện nóng đã sẵn, nhưng vào mùa nắng nóng này bọn em khổ cực hơn, thứ nhất phải chịu nhiệt độ từ máy hàn, nay phải chịu nhiệt độ thời tiết nữa nhiều khi hoa cả mặt mũi. Làm như thế này nhiều lúc không năng suất mà còn vấp phải tai nạn lao động trong nghề nữa”.

Cùng với sự vất vả cánh mày râu, những phụ nữ xã Hộ Độ vẫn cần mẫn tạo ra những mẻ cá thơm ngon

Cùng trên tuyến đường tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Hộ Độ chúng tôi ghi nhận cảnh nhiều người phụ nữ đang miệt mài quạt từng mớ than đỏ hồng để chuẩn bị cho công tác nướng cá. Bà Vương Thị Loan trú xã Hộ Độ cho chúng tôi biết - bà gắn bó với nghề cá nướng từ nhỏ, trước đây trên cung đường này chưa phát triển thì tôi thường bán cá tại xã Thạch Kim khu vực cửa biển nên thương lái buôn về lấy. Mãi đến năm 2005 tôi mới lên đây khai lập bán cá nướng ven đường tỉnh lộ 9. Cái nghề lấm lem than bụi bên bếp lò đã nóng, nay cái nắng rát da thịt tại miền trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã làm ảnh hưởng phần nào sức khỏe của tôi, ngoài ra nắng nóng nên người mua bán lại ít hơn. Vì không có nghề nghiệp chính nên nên tôi phải bươn chải kiếm miếng cơm, manh áo để lo toan cho gia đình chứ hay ho gì với nghề này.

Nhìn chung từ anh thợ cơ khí, bà bán cá cũng như ông thợ rèn đều có nét da chung là đen sạm, người dân bản địa chúng tôi thường ví họ là “người mẫu màu da”.

Họ đều làm cái nghề lao tâm khổ tứ mà cha ông truyền lại nên cố gắng gồng gánh để kiếm đồng tiền nuôi con ăn học với mong muốn con cái mình sẽ được thoát ly.

DOÃN ĐẠT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ha-tinh-nhung-nghe-nhoc-nhan-muu-sinh-duoi-cai-nang-tren-40-do-c-d100173.html