Hà Tĩnh: Phát lệnh sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm do cơn bão số 10

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân cư vùng ven biển, ven cửa sông, sáng nay 14/9, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã phát lệnh sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm do siêu bão số 10.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đang thị sát và chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức ứng phó trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10.

Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Khu KT Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn; thời gian sơ tán dân phải hoàn thành trước 17 giờ 00, ngày 14/9/ 2017.

Tổng số dân cư phải di dời 10.928 hộ/47.400 người, trong đó: huyện Kỳ Anh 1.163hộ/3.126 người; thị xã Kỳ Anh 1.226 hộ/2.913 người; KTT Vũng Áng 12 đơnvị/11.810 người; huyện Cẩm Xuyên 1.161hộ/3.383 người; huyện Thạch Hà 1.137hộ/3.778 người; huyện Lộc Hà 2.688 hộ/10.700 người; huyện Nghi Xuân 3.257hộ/10.986 người; Thành phố Hà Tĩnh 284 hộ/704 người.

Tùy theo tình hình diễn biến của bão, giao Chủ tịch UBND 13 huyện, thành phố, thị xã chủ động tổ chức phương án sơ tán dân khu vực nội địa, vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải điều động phương tiện, lực lượng và phối hợp với chính quyền các huyện ven biển, ven cửa sông, cửa lạch tổ chức di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực phải di dời đi và đến.

Giao các đồng chí Trưởng các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác PCTT-TKCN tại các huyện chỉ đạo địa phương di dời dân đúng thời gian quy định và không được để dân quay lại khi bão chưa tan.

Đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp các địa phương chỉ đạo, triển khai công tác sơ tán dân cư đến nơi an toàn.

Nhận được Lệnh sơ tán dân, yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Khu KT Vũng Áng, Thủ trưởng các ngành, các tổ chức và cá nhân chấp hành một cách nghiêm túc và báo cáo kết quả kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trước 18h ngày 14/9/2017 để tổng hợp và chỉ đạo.

Trước đó, để chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của cơn bão số 10, sáng 13/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn chỉ đạo Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội phòng chống bão.

Các lực lượng chức năng đang khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do siêu bão.

Theo đó, các sở, ngành, địa phương đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách để tập trung cho công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với bão số 10. Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã ven biển bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Đồng thời, khẩn trương thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ xuống tận các xã, thôn để chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân tổ chức thu hoạch nhanh gọn các trại lúa Hè Thu còn lại, các loại cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch trước khi bão vào, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lúa Hè Thu đã chín, cây ăn quả đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do mưa bão.

Bên cạnh đó các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện các biện pháp phòng tránh, khắc phục thiệt hại trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10 gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn. Từ hôm nay 14/9 đến hết ngày 16/9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).

Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị: cấp 4. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác: cấp 3.

Các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc tế đều nhận định rằng, bão số 10 có cường độ mạnh, có thể giật cấp 15 – 17; khi đổ bộ vào đất liền, tâm bão sẽ đi theo hướng Tây – Tây bắc, tâm bão đi vào khu vực Đèo Ngang (phạm vi từ Hà Tĩnh, Quảng Bình).

Trần Hoàn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-tinh-phat-lenh-so-tan-dan-ra-khoi-vung-nguy-hiem-do-con-bao-so-10.html