Hà Tĩnh: Tưởng nhớ ngày 'đại tang' của Tổng đội TNXP C553 và người dân xã Mỹ Lộc

Cho tới nay, người dân thôn Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc ( Hà Tĩnh) vẫn coi ngày 24/6/1968 là ngày 'đại tang'! Hàng năm, nhiều gia đình trong làng đều chọn ngày này tổ chức giỗ cho 13 TNXP thuộc tổng đội 553 (Hà Tĩnh) và hàng chục người thân của họ bị bom Mỹ sát hại.

Ông Trần Hồng, Trung đội trưởng dân quân xã bị thương nặng trong trận bom ngày 24/6/1968 ( nhân chứng sống)

Lời kể của nhân chứng

Tại buổi gặp mặt cựu TNXP tiêu biểu Hà Tĩnh nhân dịp kỉ niệm 71 năm Ngày thương binh liệt sĩ, 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (năm 2018), bà Thái Thị Cương, nguyên Bí thư đảng ủy, Tổng đội phó Tổng đội 553, TNXP Hà Tĩnh, ngậm ngùi kể lại: “Tôi đã trực tiếp chứng kiến sự hi sinh anh dũng của 23 TNXP ở Phú Lộc, đã từng tìm kiếm và mai táng cho 10 nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc nhưng ám ảnh về sự tang thương của Tổng đội nhất với tôi lại là sự kiện 13 TNXP cùng hàng chục người dân hi sinh và thiệt mạng ở thôn Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc.

Khi được báo tin, khoảng 12 giờ trưa, tôi vào đến nơi thì cảnh tượng trước mắt quá tang thương. Ngôi làng nhỏ hầu như xóa sổ, có cảnh mẹ đang cho con bú bị chết, có người bị tan xác, bom hất lên cả ngọn tre. Về TNXP ngày hôm đó ở Mỹ Lộc hi sinh 13 đội viên C553. Đau thương nhất, là việc 13 TNXP hi sinh được chôn cất vào chiều thì tối đến máy bay Mỹ ném bom hất tung lên, chiều hôm sau phải chôn cất lại”.

Là người trực tiếp có mặt ở hiện trường từ lúc bắt đầu trận đánh, chứng kiến toàn bộ sự việc, Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân, đội trưởng phá bom C553 cho biết: “Sáng ngày 24/6/1968, vào khoảng 6 giờ sáng, khi C553 đi làm về thì máy bay lao đến ném 2 quả bom phá. Nhà của dân là nhà tranh ở san sát, mới xong mùa rơm rạ nhiều nên bùng cháy. Phát hiện đám cháy, chắc ngỡ tưởng là kho tàng quân sự nên hàng chục máy bay lao đến ném bom sát thương, bắn đạn 20mm, bóm phá, đánh liên tục nhiều đợt từ 6 giờ đến 10 giờ sáng mới bắt đầu ngừng.

Anh hùng Nguyễn Tri Ân tại nhà riêng

Lâu rồi nên tôi nhớ không rõ là đơn vị hi sinh 9 hay 11 TNXP, có thể là 9 TNXP và 2 lái xe của đơn vị. Tuy nhiên, danh sách do Sở LĐTB&XH cung cấp được in trong cuốn “Huyền thoại thanh niên xung phong Việt Nam” chỉ có 7 TNXP. Vì tôi cũng không nhớ hết con người cụ thể nên cũng không biết đang còn thiếu những ai.

Nhân dân thôn Trại Tiểu thì ban ngày chết 9 người, đêm đó Mỹ ném bom bi chết thêm 2 người nữa là 11. Khi dân quân xã đến ứng cứu, khi tôi cùng họ đang khiêng xác người cháy từ sân kho sang khoảng ruộng thì bị trúng bom, tôi bị lấp từ đùi trở xuống còn 4 người kia bị lấp hết toàn thân.

Trong trận đó, sau này có 2 người thương binh, trong đó có C trưởng. Riêng dân quân xã ra ứng cứu bị lấp là anh Trần Hồng bị thương nặng, khi tôi bới được anh ấy lên thì gần như đã tắt thở, sau được cấp cứu sống lại. Sau này, ông Hồng có nhờ tôi xác nhận để làm chế độ thương binh, nhưng chưa được công nhận”.

Bà Thái Thị Cương, Nguyên Tổng đội trưởng 55-TNXP Hà Tĩnh

Kí ức kinh hoàng của người dân

Ông Đặng Tân (sinh năm 1950) kể: “Lúc đó, tôi đã 18 tuổi, sáng sớm mới ra đồng bứt cỏ thì máy bay đến ném bom, sau 2 quả bom đầu tiên, lửa từ phía làng đã cháy bốc cao nghi ngút, dân chạy tán loạn, người chạy xuống hầm, người chạy xuống các bờ ruộng, bờ suối gần làng, một số chạy vào nhà thờ xứ cầu nguyện. Tôi vừa chạy về đến nhà thì đã thấy anh Nguyễn Tri Ân, anh Hợi TNXP, ông Trần Hồng trung đội trưởng dân quân và anh Đặng Võ đến dập lửa và khiêng đồ đạc cho nhà tôi.

Mấy phút sau thì cả đoàn máy bay đến ném bom xuống làng, bốn năm người xuống hầm chữ A nhà tôi trú ẩn nhưng do đông nên các anh chạy qua sân kho để xuống mép ruộng, bờ khe, tôi cũng chạy theo họ. Hú vía, một quả bom sát thương rơi đúng căn hầm của nhà tôi, nhà và hầm tan hoang. Cả 5 người vừa chạy ra cũng bị quả bom nổ ngay cạnh vùi lấp hết. Tôi chạy theo hướng khác nên không bị thương tích”.

Hố bom, nơi anh hùng Nguyễn Trí Ân và Trung đội trưởng dân quân bị bom vùi.

Hỏi về những người dân thiệt mạng hôm ấy, ông Tân cho biết: “Gia đình ông Minh bom trúng nhà có 3 người chết là ông Minh, anh Tiến (con trai đầu) và vợ anh Tiến. Ông Phạm Việt và con gái cũng thiệt mạng. Ông Báu, ông Hoàng Hiển mất con trai. Ông Quế mất con gái. Hi hữu nhất là gia đình cố Vượng: O Nhin con cố Vượng và đứa cháu nội cố Vượng bị bom ép chết, chưa chôn được trong ngày, tối cố Vượng và con trai là anh Hải đi canh xác, bị bom bi ném trúng thiệt mạng thêm anh Hải. Kinh hoàng nhất là trường hợp bà Đặng Thị Hòa, trước lưu lạc sang Thái Lan, sau về tìm chồng cũ thì chồng đã mất, con gái dựng cho túp lều. Bom ném trúng lều, xác bà Hòa không nguyên vẹn, một phần hất tung lên ngọn tre sau chặt tre mới lấy xuống được”.

Ông Nguyễn Tài (sinh năm 1960), con trai thứ 7 của ông Nguyễn Minh có 3 người chết, ông Tài lúc đó cũng bị thương nặng, nát cánh tay trái và bom ép, nghẹn ngào kể: “Sáng đó, gia đình đang hông xôi đi hỏi vợ cho anh Nguyễn Vỵ (con trai thứ hai của ông Minh) thì bom rơi trúng nhà. Tôi cũng ngất lịm đi, khi tỉnh dậy thấy nằm ở bệnh viện, gần cả năm trời mới được về nhà. Cha, anh trai chị dâu mất. Tang tế xong, anh em cũng xuống xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà xin chị dâu về cho anh Mỹ, oái ăm, 10 ngày sau, chị dâu về nhà xin gạo thì bị chết bom ở gần cầu Sôông. Mẹ mất từ trước, cha, anh cả và chị dâu mất, 7 anh em còn lại phải đi xin, tha phương cầu thực, mọi gánh nặng đổ lên vai anh Vỵ. Tôi lúc đó được gia đình bà Thời bên thôn Nhật Tân nuôi dưỡng mấy năm lành tay mới về với các anh.

Ông Nguyễn Tài và chứng tích về trận bom lịch sử cách đây hơn nửa thế kỉ

Cần làm rõ chi tiết trái chiều

Trước hết, cần làm rõ số lượng TNXP hi sinh trong ngày 24/6/1968 là bao nhiêu bởi theo bà Thái Thị Cương là 13 người, còn Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân không nhớ rõ là 9 hay 11 người! Ông Đinh Yến, nguyên xã đội trưởng Mỹ Lộc thời điểm đó thì nói chung chung là có nhiều TNXP hi sinh, tôi không biết rõ là bao nhiêu.

Việc thi thể của các TNXP chôn cất chiều 24/6/1968, “tối đó bị bom quật lên, hôm sau phải mai tang lại” như lời bà Thái Thị Cương kể, hay như lời anh hùng Nguyễn Tri Ân: “hôm sau, đi mua hòm ở dưới thị trấn Nghèn về rồi bới lên mai táng lại”.

Thông tin về sự kiện được ghi trong “Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Lộc”.

Mặt khác, đối chiếu thông tin từ “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Lộc (1930 – 2009)”, tại trang 62,63 ghi lại sự kiện ngày 29/5/1968 (đối chiếu với dương lịch thì trùng ngày 24/6/1968, có thể Ban biên tập lấy ngày âm lịch) lại cho rằng làng Trại Tiểu chết 27 người trong khi chúng tôi lấy thông tin từ các nhân chứng sống và thống kê trực tiếp thì chỉ có 12 người dân thiệt mạng. Đặc biệt, trong cuốn lịch sử này chỉ ghi hi sinh 2 pháo thủ và hai công nhân cầu đường mà không ghi số TNXP hi sinh?!

Như vậy, sự kiện là có thật. Tuy nhiên, về số lượng TNXP hi sinh và người dân bị thiệt mạng cần được làm sáng rõ để sự thật lịch sử được tường minh.

QUỐC HIỆP- NGỌC VƯỢNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ha-tinh-tuong-nho-ngay-dai-tang-cua-tong-doi-tnxp-c553-va-nguoi-dan-xa-my-loc-d100104.html