Hà Tĩnh: Xả đập Ngàn Trươi, diễn biến bất ngờ nên phải ngừng xả trong đêm

Ngày 30/7, theo kế hoạch đã được thống nhất trước đó, đoàn công tác của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tiến hành xả đáy đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang để truy tìm nguyên nhân gây nước chuyển màu và bốc mùi hôi thối tại đây.

Đoàn công tác Bộ NN và Tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tại khu vực hồ đập Ngàn Trươi ngày 28/7.

Đoàn công tác Bộ NN và Tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tại khu vực hồ đập Ngàn Trươi ngày 28/7.

Nước xả nhuộm đỏ sông Ngàn Trươi

Trước đó, sau trận mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến 15/5/2019, nước tại khu vực hồ đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Vũ Quang) bỗng dưng đổi màu đỏ đục. Đặc biệt, khoảng 10 ngày trở lại đây, màu nước ở đây chuyển màu đỏ đậm và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nhận được thông tin phản ánh, UBND thị trấn cũng như huyện Vũ Quang đã báo lên cấp trên để tìm phương án xử lý. Ngay sau đó, Trung tâm quan trắc Sở TN&MT Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Kết quả quan trắc cho thấy, nước tại đây có nhiều chỉ số vượt quá ngưỡng cho phép, tuy nhiên vẫn chưa xác định được “thủ phạm” gây ra nguồn ô nhiễm nói trên.

Trước tình hình đó, ngày 28/7, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã có buổi thị sát trực tiếp tại khu vực hồ đập Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Tại buổi làm việc này, nhiều nghi vấn đã được đặt ra, nhiều nhận định cũng được đề cập. Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cho rằng, có 2 vùng xác định nguồn gây ô nhiễm cho đập dâng đó là vùng lòng hồ và kênh dẫn sau đập chính (Khe Trươi).

Vì thế, sau khi có đề nghị xả sạch nước đập dâng để xác định nguyên nhân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã chỉ đạo kể từ 30/7, sau khi kênh Linh Cảm ngừng lấy nước, các cơ quan chức năng đã phối hợp xả hết nước đập dâng, sau đó mời các đơn vị liên quan đến kiểm tra, xác định rõ tầng đáy đập dâng vì sao ô nhiễm.

Khi nước rút xuống, hai bên bờ kênh bị bám một màu đỏ đục.

Tuy nhiên, ngày 30/7 sau khi xả được khoảng 3 tiếng, dòng sông Ngàn Trươi đã bị bao trùm một màu màu đỏ đục. Nhiều xã thuộc vùng hạ lưu bị ảnh hưởng như: Hương Minh, Hương Thọ; Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Linh, Đức Giang và Ân Phú.

Theo quan sát của PV Infonet, nước trong lòng đập dâng có màu đỏ nhạt. Nhưng khi được xả ra kênh thì chuyển màu đỏ đục. Nếu lượng xả càng mạnh, nước cuộn lên thì màu nước càng đỏ đặc hơn và có mùi hôi càng nồng nặc hơn.

Từ cửa xả của hồ Ngàn Trươi, chạy dọc theo dòng sông, nước tạo nên một màu đỏ như gạch cua ở trên bề mặt. Khi nước rút xuống, lớp màu váng nước màu đỏ này sẽ bán vào tường, cọc gỗ hay miệng cống, miệng mương làm cho những vật này cũng bị nhuộm màu úa vàng.

Theo người dân địa phương, trong lòng đập dâng có xác thực vật nhưng không nhiều như ở trong lòng hồ Ngàn Trươi thuộc vườn Quốc gia Vũ Quang. Cho nên nếu nói màu nước trên là do xác thực vật phân hủy rồi làm cho nguồn nước ở đập dâng chuyển màu thì có lẽ chưa thuyết phục lắm, chắc phải có nguyên nhân nào khác.

Một cán bộ xã Đức Liên chia sẻ thêm: “Dọc lòng sông và vùng hạ lưu đặc một màu đỏ, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch xã Đức Hương thì khẳng định: “Từ cầu Hưng Đại xuôi xuống lòng hồ vốn là khúc sông tự nhiên đã có từ trước. Vì vậy, nói xác thực vật ở đây nhiều là không phải”.

Trao đổi với PV Infonet vào sáng nay (31/7) ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó phòng TN&MT huyện Vũ Qunag cho biết: Trước diễn biến này, cơ quan chức năng đã cho ngừng xả nước đập Ngàn Trương lúc 21h ngày 30/7 vì sợ ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Dư luận nói gì?

Trước việc hồ xả nước và xuất hiện màu đỏ tại các kênh, cống như trên, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này.

Chia sẻ trên trang các nhân của mình, anh B. Đ. cho rằng: “Xả kiệt lòng hồ là xả hết nguồn ô nhiễm vào Sông La, Ngàn Trươi, Ngàn Sâu. Minh chứng là nước ở các dòng sông này chuyển màu đỏ, đục ngầu...”.

"Chưa nói chỉ đạo này đúng hay sai, hợp lý hay không, nhưng việc cho xả một khối lượng nước khổng lồ, chứa nguồn ô nhiễm với các thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng, vượt quy chuẩn ra môi trường như thế sẽ gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng hạ lưu, bức tử sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi và Sông La", anh B. Đ. phân tích thêm.

Tiến hành xả đáy đập dâng để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.

Dòng sông Ngàn Sâu phủ một màu vàng sậm.

Dọc lòng sông vùng hạ lưu đặc một màu đỏ, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trao đổi với PV Infonet về việc này, một cựu lãnh đạo ngành thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, phương án xả cạn nước trong lòng đập dâng Ngàn Trươi để xác định nguyên nhân chỉ là một trong vô vàn phương pháp. Phương pháp này (xả nước hồ-PV) đòi hỏi mất rất nhiều thời gian cũng như tốn kinh phí để xác định nguyên nhân.

“Theo cá nhân tôi nhận thấy, phương pháp này nên để dành lại cuối cùng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm làm nguồn nước chuyển màu đỏ sẩm và mùi hôi thối”, vị này cho biết. Vị này đề xuất phương án, "trước hết nên lấy mẫu nước trong đập xét nghiệm để tìm nguyên nhân ô nhiễm từ đâu".

Cũng theo vị nguyên lãnh đạo này, trong quá trình thực hiện phương pháp xả lòng hồ, phải tính toán kỹ và lường trước khả năng như đang xả thì xảy ra mưa lũ, khi đó tất cả xem như bỏ không. Vì vậy đây không phải là phương án khả thi nhất.

Trần Hoàn - Lê Thông

Từ khóa: Đập dâng Ngàn Trươi Xả đáy lòng hồ đập dâng Ô nhiễm nguồn nước Bốc mùi hôi thối

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ha-tinh-xa-dap-ngan-truoi-dien-bien-bat-ngo-nen-phai-ngung-xa-trong-dem-post307819.info