Hacker ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ như thế nào

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế, nhưng lĩnh vực kinh doanh này cũng phải chịu không ít rủi ro từ những hành động bộc phát tưởng chừng như vô thức, nhỏ lẻ nhưng đã và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng và trực tiếp là các doanh nghiệp bán lẻ.

Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ đang chịu áp lực và rủi ro không nhỏ từ những hành động tưởng như vô thức của một số hacker khi tuyên bố tấn công vào hệ thống quản trị nội bộ lấy đi thông tin email, số điện thoại và nghiêm trọng hơn là số thẻ tín dụng khách hàng của 1 chuỗi bán lẻ công nghệ hàng đầu Việt Nam

Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ đang chịu áp lực và rủi ro không nhỏ từ những hành động tưởng như vô thức của một số hacker khi tuyên bố tấn công vào hệ thống quản trị nội bộ lấy đi thông tin email, số điện thoại và nghiêm trọng hơn là số thẻ tín dụng khách hàng của 1 chuỗi bán lẻ công nghệ hàng đầu Việt Nam

Theo một báo cáo công bố gần đây của Savills, thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều trong đó dân số trẻ trí thức và xu hướng sống tự lập chiếm tỷ trọng lớn.

Với những chính sách đúng đắn mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 đến nay, cùng với hàng loạt động thái quyết liệt của chính phủ trong việc lành mạnh hóa thị trường bán lẻ trong nước cũng như khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, ngành bán lẻ hiện nay đang tăng dần sức ảnh hưởng, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển cũng như đóng góp ngày càng đáng kể vào bứctranh kinh tế chung.

Thị trường bán lẻ không chỉ là mảnh đất màu mỡ với các nhà đầu tư trong nước. Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027)

Trong thị trường bán lẻ, phân khúc trung tâm thương mại và các chuỗi bán lẻ chiếm thị phần lớn nhất với 53%. Xu hướng phát triển của phân khúc này ra ngoài khu trung tâm rất rõ rệt khi nguồn cung trong khu vực trung tâm giảm trong khi nguồn cung khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục với tốc độ tăng trung bình 13% mỗi năm trong 5 năm gần đây.

Các trung tâmthương mại ngoài trung tâm đa số nằm trong các dự án phức hợp với quy mô nhà ở lớn và trong khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2 và 7.

Bên cạnh những điểm sáng góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung như những quyết sách đúng đắn của chính phủ, nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ cũng như niềm tin ngày càng tăng lên của người tiêu dùng thì trong thời gian gần đây đã liên tục xuất hiện những hành động bộc phát tưởng chừng như vô thức, nhỏ lẻ nhưng đã và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như dấy lên lo ngại cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường bán lẻ.

Trước tiên là việc hacker trên 1 diễn đàn nước ngoài tuyên bố tấn công vào hệ thống quản trị nội bộ lấy đi thông tin email, số điện thoại và nghiêm trọng hơn là số thẻ tín dụng khách hàng của 1 chuỗi bán lẻ công nghệ hàng đầu Việt Nam, phủ khắp 63 tỉnh thành với hàng ngàn cửa hàng.

Không dừng lại ở đó, hacker trên diễn đàn này tiếp tục tung ra thông tin khách hàng và đội ngũ nhân sự nội bộ của 1 chuỗi bán lẻ chiếm thị phần lớn nhất ở mảng bán lẻ dành cho bà mẹ trẻ em, và gần đây nhất, diễn đàn này lại tung tiếp thông tin giống như hình chụp bằng điện thoại từ màn hình máy tính của 1 nhân viên tại cửa hàng của 1 chuỗi bán lẻ công nghệ khác.

Chưa nói đến tính xác thực của các thông tin này cũng như động cơ tưởng chừng vô hại là thể hiện cái tôi của 1 số hacker, nhưng các sự việc liên tiếp diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, làm cản trở nỗ lực khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của chính phủ, ảnh hưởng xấu đến môi trường bán lẻ nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung, lâu dài sẽ kéo theo sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ trong nước.

Thiết nghĩ đây là lúc chính phủ cũng như các cơ quan chức năng nên vào cuộc, tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hacker-anh-huong-den-thi-truong-ban-le-nhu-the-nao-d91029.html