Hai bài thi tổ hợp đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Theo nhận định của một số giáo viên, hai bài thi tổ hợp bám sát đề tham khảo mà Bộ đã công bố trước đó. Đề không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải có năng lực vận dụng cao.

Khoa học xã hội: Tăng tính hiểu biết thực tế

Tổ giáo viên Xã hội của Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học xã hội: Địa lí, Lịch sử và Giáo dục công dân vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố.

Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Địa lý, không thấy xuất hiện câu hỏi lớp 11). Với các câu hỏi lớp 12, nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc học kì I, không thuộc nội dung đã tinh giản và bám sát đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đảm bảo mục tiêu của kì thi.

Một số thí sinh tại điểm thi THPT Cầu Giấy nhận định đề thi Khoa học xã hội khá dễ. Ảnh: Lê Vân.

Một số thí sinh tại điểm thi THPT Cầu Giấy nhận định đề thi Khoa học xã hội khá dễ. Ảnh: Lê Vân.

Về độ khó của các bài thi thành phần: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi.

Môn Lịch sử: Đề thi có 70% câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam và 30% câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới. Phần lớn các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 (90%), trong đó chuyên đề Lịch sử Việt Nam 1945-1954 xuất hiện nhiều câu hỏi nhất (9 câu), không xuất hiện câu hỏi thuộc chuyên đề Cách mạng khoa học kĩ thuật. 75% số câu hỏi trong đề ở mức độ Nhận biết – thông hiểu, tập trung vào những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. Đề thi có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp.

Môn Địa lí: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 với 75% thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi). Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh. Ngoài ra, những câu hỏi thuộc phần kiến thức 7 điểm chủ yếu thuộc hai chuyên đề Địa lí vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế; 25% câu hỏi còn lại trải đều tất cả các chuyên đề của lớp 12 và tập trung vào chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.

Môn Giáo dục công dân: 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 25% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa. Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ. Đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Toàn đề có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 trong đó 52% tổng số câu hỏi thuộc học kì I và 48% câu hỏi thuộc học kì II. Đề thi có 4 câu (10%) thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 11 đều ở mức độ nhận biết.

Đề Khoa học tự nhiên thí sinh dễ đạt mức 7 - 7,5 điểm

Nhận định về môn Sinh học, thầy Nguyễn Đức Hải công tác tại Tuyensinh247.com cho biết: Do ảnh hưởng của COVID19, đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm 2020 có những thay đổi đáng kể so với đề năm 2019: Cấu trúc: Sinh lớp 11: 7 câu; Sinh lớp 12: 33 câu. Mức điểm thí sinh dễ đạt được: 7 – 7,5 (trong khoảng 28 – 30 câu). Học sinh khá sẽ làm tốt khoảng 32 – 34 câu , để đạt điểm 9,10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.

Ở môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên tại Tuyensinh247.com phân tích: Đề thi không bất ngờ với thí sinh, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ đã ban hành. Đề thi dễ thở với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lí để xét tuyển Đại học (8 câu cuối). Học sinh học khá và học giỏi thì làm đến tầm câu 32 không quá khó khăn. Dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 5 đến 7 điểm nhưng điểm từ 8,5- 9,5 sẽ ít, còn 10 tuyệt đối thì chắc chắn vẫn rất hạn chế.

Về tổng quan, đề gồm 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu). Trong đó, vẫn có khoảng 70% cơ bản và 30% mang tính phân loại. Câu hỏi trắc nghiệm định tính (Lý thuyết) chiếm khoảng 45%. Câu không còn “đánh đố” học sinh bởi sự khó khăn về toán học hay mất thời gian dài để giải. Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc như: Kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều, câu hỏi thí nghiệm. Đặc biệt đề thi năm nay có câu liên quan đến cơ hệ rất thú vị (Câu 40 MĐ 222 Lò xo gắn với hệ vật vắt qua ròng rọc) và một câu rất ít xuất hiện liên quan đến công suất tức thời (Câu 39 – MĐ 222). Những câu khó mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải.

Nhận định về đề Hóa, thầy Phạm Thanh Tùng công tác tại Tuyensinh247.com cho biết: Phổ điểm chủ yếu sẽ nằm ở mức 6,75-7,25 điểm. Nội dung kiến thức tập trung chủ yếu ở chương trình 12 và có kết hợp với một số câu hỏi nằm trong chương trình 10, 11.

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/hai-bai-thi-to-hop-dap-ung-duoc-muc-tieu-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-20200810122652603.htm