Hai bố con vào quán ăn bún, hành động của ông bố khiến ai nấy thở dài: Yêu con thế này bằng mười hại con

Biết như thế là bố vô cùng yêu con, nhưng tình yêu sai cách có thể dẫn đến tác dụng ngược.

Bố mẹ luôn là người luôn yêu thương con vô bờ bến, không ngại làm tất cả vì con dù có hy sinh chính bản thân mình. Tuy nhiên, ranh giới giữa yêu thương đúng mực và chiều chuộng quá mức cực kỳ mỏng manh.

Bước ra khỏi mái nhà quen thân, con sẽ phải học hỏi và phát triển trong một môi trường yêu cầu sự cởi mở, sẻ chia, thân thiện. Nếu quá chiều chuộng con, trẻ chỉ ích kỷ, nhõng nhẽo và thường cáu kỉnh với xung quanh, chúng sẽ không được đón nhận sau này.

Mới đây, một clip ghi lại cảnh hai bố con trong một quán ăn khiến nhiều người tranh cãi về cách yêu thương con thế nào là đúng. Đính kèm video là dòng trạng thái của người đăng: "Có những người chiều con quá mức, con trai lớn bằng bố rồi vẫn phải múc từng muỗng bún cho ăn, buồn thật".

Ảnh cắt từ clip

Dù con trai đã lớn nhưng người bố vẫn ân cần thổi nguội và đút từng thìa bún trong khi cậu con trai gác chân và ung dung bấm điện thoại. Nhiều người cho rằng hành động được chiều chuộng này đã quá quen thuộc nên cậu bé đón nhận nó một cách rất tự nhiên, không chút ngượng ngùng.

Ảnh cắt từ clip

Phía dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra bức xúc và cho rằng hành động này là đang hại chính con trai chứ không phải yêu thương. Người bố dành cho con tình yêu vô bờ nhưng nếu sai cách thì đây chính là con dao hai lưỡi có thể khiến đứa con sống phụ thuộc, hư hỏng về sau.

Đừng biến con thành những đứa trẻ "dâu tây"

Cha mẹ là trường học đầu tiên, là người thầy đầu tiên và là người bạn đầu tiên của trẻ. Giúp đỡ con là điều tốt, nhưng khi cha mẹ làm thay con cả những việc nhỏ nhặt nhất thì lại phản tác dụng. Đứa trẻ sẽ luôn tìm cách dựa dẫm trong các mối quan hệ khác nữa và thường không có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Một chuyên gia giáo dục từng viết: "Nhiệm vụ đầu tiên của tình mẹ chính là thân mật với trẻ, bảo vệ cho trẻ trưởng thành; nhiệm vụ thứ hai chính là rời xa trẻ, thúc đẩy trẻ tự lập".

Trên thực tế, có rất nhiều đất nước có nền văn hóa giáo dục trẻ em với phương châm "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", chẳng hạn như cha mẹ Do Thái, cha mẹ Mỹ hay cha mẹ Mexico… Cha mẹ trong các cộng đồng này luôn dạy con phải tự nguyện làm việc nhà như tất cả mọi thành viên khác trong gia đình, chứ không phải trên cương vị người giúp đỡ ngay cả khi con còn bé tí.

"Thế hệ dâu tây" luôn mong đợi được đối xử theo một cách nhất định. Khi điều đó không xảy ra, họ có xu hướng nổi cơn thịnh nộ. (Ảnh minh họa)

Ở Đài Loan có một cụm từ "thế hệ dâu tây" chỉ những người được nâng niu nhưng cũng dễ bị "bầm dập" như trái dâu, không sẵn sàng chịu trách nhiệm, thay vì nhìn lại bản thân, lại đổ lỗi cho người khác.

"Thế hệ dâu tây" luôn mong đợi được đối xử theo một cách nhất định. Khi điều đó không xảy ra, họ có xu hướng nổi cơn thịnh nộ. Thái độ "hoàng tử, công chúa" của họ chính là kết quả từ cách nuôi dạy con của cha mẹ. Bước ra xã hội, sức chịu đựng khó khăn thấp hơn so với những người khác.

Cha mẹ cần phải giúp trẻ dần dần trở nên độc lập với cha mẹ. Để làm được điều đó, cha mẹ cần thường xuyên để trẻ tự xử lý những việc trong khả năng của trẻ. Trẻ em luôn thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, là cha mẹ, thay vì để con chỉ biết dựa dẫm, nên thúc đẩy con tự lập, tự mình đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Vì chỉ có những kỹ năng này mới theo con cả đời, và giúp con sống tốt, ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cung-con-truong-thanh/hai-bo-con-cung-vao-quan-an-bun-hanh-dong-cua-ong-bo-khien-ai-nay-tho-dai-yeu-con-the-nay-bang-muoi-hai-con-283895.html