Hai bộ trưởng nói về việc người nước ngoài 'núp bóng' sở hữu đất

Trước thực trạng người Trung Quốc 'núp bóng' sở hữu nhiều lô đất đắc địa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Luật Đất đai không cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Vấn đề nhiều cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài bằng nhiều hình thức sở hữu, núp bóng sở hữu những lô đất có vị trí đắc địa ở ven biển Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng đề cập trong báo cáo trả lời cử tri sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/5 về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh theo quy định của Luật Đất đai 2013, “không ai cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp cả”. Theo ông, đây là luật chặt chẽ nhất về vấn đề liên quan đến đất đai.

Phải kiểm soát, thẩm định chặt chẽ

Liên quan trực tiếp tới nội dung báo cáo của Bộ Quốc phòng, ông Hà cho biết Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng đã có trả lời. Nếu dư luận vẫn quan tâm tới vấn đề này, ông sẵn sàng trả lời tiếp bằng văn bản.

 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Hải Quân.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Hải Quân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho hay dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có lưu ý vấn đề đảm bảo quốc phòng an ninh khi thu hút đầu tư nước ngoài.

“Đầu tư nước ngoài có liên quan tới các yếu tố quốc phòng, an ninh thì phải kiểm soát và phải thẩm định chặt chẽ”, ông Dũng nói.

Về việc người nước ngoài núp bóng để thu mua đất đai ở những vị trí đắc địa, Bộ trưởng Dũng cho rằng địa phương phải có trách nhiệm quản lý, còn dự thảo Luật Đầu tư phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng cho tất cả các lĩnh vực, thành phần, không phân biệt nước này với nước kia.

“Tất cả vấn đề liên quan đến việc người nước ngoài đầu tư chúng tôi đang nghiên cứu, có thể ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề mà phóng viên nêu”, ông Dũng nói.

Bình luận về hiện tượng này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng do chúng ta có sơ hở, lỏng lẻo nên để làm chặt chẽ, cần nghiêm trị người những trường hợp tiếp tay cho người nước ngoài sở hữu đất trái pháp luật.

Ông Quốc nhấn mạnh trước hết phải xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý ở địa phương, sau đó mới tới các cơ quan liên quan.

Theo đại biểu, Bộ Quốc phòng đã nêu rõ những hình thức nhà đầu tư nước ngoài lách luật như thông qua sở hữu cổ phần, nhờ thuê người trong nước đứng tên… Vì vậy, cần “trám” lại những lỗ hổng.

Sửa Luật Đầu tư, ông Quốc lưu ý “đầu tư là đầu vào và không phải đầu vào nào cũng tốt, nên cần sự tỉnh táo của những người có chuyên môn, trách nhiệm”. Từ đó, lựa ra những dự án đầu tư có chọn lọc, tránh tình trạng nhiều địa phương chạy theo tăng trưởng, thành tích nên phê duyệt ào ạt.

Hai hình thức núp bóng sở hữu đất ở vị trí đắc địa

Trong báo cáo trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết tại Việt Nam có 134 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động. Các doanh nghiệp này sử dụng đất với tổng diện tích hơn 160.000 ha.

Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng.

Nhiều khu đất đắc địa ở ven biển Đà Nẵng thuộc sở hữu của người nước ngoài. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Cụ thể, cá nhân có 2 trường hợp quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan trong khoảng thời gian trên đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ đồng.

Cùng với đó, có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm.

Bộ Quốc phòng cho biết để sở hữu các lô đất ở thành phố Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức.

Một là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp.

Do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Hình thức thứ hai là đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Bộ Quốc phòng cho biết đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Về tình trạng này, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh

Hoài Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-bo-truong-noi-ve-viec-nguoi-nuoc-ngoai-nup-bong-so-huu-dat-post1088258.html