Hải cảnh Trung Quốc và vai trò mới trong các tranh chấp biển

Thông thường, trong các cuộc tranh chấp trên biển, các lực lượng Trung Quốc được bố trí đội hình theo thứ tự tàu cá-ngư dân- tàu hải giám- hải cảnh-hải quân. Nhưng nay có dấu hiệu cho thấy lực lượng hải cảnh (coast guard) đang có khả năng được đẩy lên tuyến đầu.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc có khả năng sử dụng đội tàu hải cảnh gia tăng hiện diện bán quân sự của nước này ở biển Đông, củng cố các đòi hỏi chủ quyền và thậm chí ngăn cản hoạt động của các nước cũng có đòi hỏi chủ quyền ở vùng biển này, theo SCMP.

Năm ngoái, Trung Quốc đã củng cố vị thế của hải cảnh khi đưa lực lượng này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương, yêu cầu hải cảnh phải chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ ở những vùng biển tranh chấp.

Phát biểu trước các quan chức hải cảnh nhân dịp năm mới âm lịch, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng nói hải cảnh phải chuẩn bị tốt cho các tình huống khác nhau ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản.

Ông Hứa cũng thúc giục hải cảnh “cương quyết bảo vệ” quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc.

Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của đại học Macquarie (Australia) nói hải cảnh Trung Quốc đang có vai trò chủ chốt trong các tranh chấp trên biển thông qua việc tuần tra ở khu vực tranh chấp để củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc

Một tàu hải cảnh Trung Quốc

“Việc này để giải phóng hải quân Trung Quốc, được sử dụng vào các nhiệm vụ ngày càng xa đất liền”, chuyên gia Ni nói.

Năm ngoái, Cơ quan Hải dương nhà nước Trung Quốc, cùng với Bộ Công an quản lý hải cảnh, được sáp nhập vào Bộ Tài nguyên Tự nhiên. Hải cảnh sau đó trở thành một phần của Lực lượng cảnh sát vũ trang (Vũ cảnh), cơ quan được Quân ủy Trung ương quản lý trực tiếp. Việc này được cho là giúp cải thiện sự phối hợp của quân đội với các lực lượng chấp pháp trên biển, trước đó được giao nhiều đầu mối quản lý.

Trung Quốc từ lâu muốn hải cảnh là lực lượng tuyến đầu tại các vùng biển tranh chấp, để hải quân ở đằng sau đóng vai trò hỗ trợ.

Nhưng theo cơ chế cũ, cơ quan hải dương không có quyền đối với quân đội, do vậy phối hợp giữa hải cảnh và hải quân khó khăn.

Việc tái cơ cấu mở ra một giai đoạn mới có sự tích hợp giữa hải cảnh và hải quân, bao gồm các hoạt động tập trận chung của hải quân và hải cảnh hồi tháng 8/2018.

Hải quân Trung Quốc cũng đã chuyển một số sỹ quan của họ sang hải cảnh, trong đó có chuẩn đô đốc Vương Trọng Tài, người trở thành tư lệnh hải cảnh từ tháng 12/2018.

Trước đó, ông Vương tham gia nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc trên vịnh Aden và là phó tham mưu của hạm đội Đông Hải, chịu trách nhiệm về Đài Loan và biển Hoa Đông.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu hàng hải ở đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore, nói lời phát biểu của ông Hứa Kỳ Lượng nhân dịp Tết âm lịch cho thấy giới chức cấp cao Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh vai trò của các lực lượng chấp pháp dân sự, ví dụ như hải cảnh, tại điểm nóng tuyến đầu trong tranh chấp trên biển.

Vì sao hải cảnh được giới chức Trung Quốc tin dùng? Chuyên gia Koh cho rằng bởi sử dụng hải cảnh, Trung Quốc đỡ mang tiếng gây mất ổn định hơn. “Triển khai hải cảnh trên tuyến đầu có vẻ ít gây hấn hơn, ít nhất là về lý thuyết, tuy nhiên có nhiều nghi ngại, rằng hải cảnh mới thực sự gây hấn hơn vì sử dụng lực lượng này có thể che giấu nhưng hành vi hung hăng thực sự trong tranh chấp biển”.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/hai-canh-trung-quoc-va-vai-tro-moi-trong-cac-tranh-chap-bien-1375948.tpo