Hai cầu dây văng ở TP.HCM có độ tĩnh không cao nhất Việt Nam

Cầu Phước Khánh và Bình Khánh là hai cây cầu dây văng đường bộ đang xây dựng thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối Cần Giờ, TP.HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Cầu Phước Khánh khởi công vào ngày 18/7/2015, được thiết kế là cầu dây văng cao nhất nước, tĩnh không 55 m, thuận tiện cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TP.HCM.

Vị trí huyết mạch của cầu Bình Khánh và Phước Khánh. Đồ họa: Nhân Lê.

Hiện, cây Phước Khánh đã lộ dần hình hài, các trụ cầu cao hơn 100 m sừng sững trên sông Soài Rạp. Cầu có thiết kế dây văng, tổng chiều dài 3.186 m, khẩu độ nhịp chính 300 m.

Phần đường dẫn phía TP.HCM dài 852 m đã được tráng nhựa. Cầu rộng gần 22 m cho bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp trong giai đoạn một cho xe chạy vận tốc 80 km/h và giai đoạn hoàn chỉnh là 100 km/h.

Tổng số vốn thực hiện gói thầu này khoảng 3.500 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) tài trợ. Công trình do liên danh Sumiitomo - Cienco4 xây dựng và dự kiến hoàn thành sau 42 tháng thi công.

Dự kiến khi hoàn thành vào cuối năm 2019, cầu Phước Khánh cùng với cầu Bình Khánh sẽ là hai cây cầu có tĩnh không lưu thông thuyền cao nhất Việt Nam (55 m). Cầu Phước Khánh sử dụng công nghệ móng cọc ống thép dạng giếng SPSP (Steel Pipe Sheet Pile) được nghiên cứu phát triển từ năm 1964 tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng ban An toàn lao động, Ban điều hành gói thầu J3 cho biết, không kể trụ chính cao 135,8 m, những trụ cầu còn lại đều cao bằng các tòa nhà cao tầng.

Nhiều nhóm công nhân đang tất bật làm việc đầy nhanh tiến độ thi công. Gói thầu J2, J3 do Liên danh Nhà thầu Cienco 4 - Sumitomo Mitsui thi công được xây dựng theo mô hình công trường kiểu mẫu nên điều kiện an toàn kỹ thuật, chất lượng luôn được tuân thủ nghiêm ngặt, an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo dự kiến, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào hoạt động, tại đoạn vượt trên đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ, hiện hữu sẽ mở các nhánh lên xuống để kết nối giữa tuyến cao tốc và đường Rừng Sác.

Ở phía bên kia sông Lòng Tàu, cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp dài 2.763,5 m, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP.HCM, cũng đang dần thành hình.

Công trình có vốn đầu tư xây dựng hơn 4,69 tỷ yen Nhật và 3.017 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình bắt đầu thi công vào tháng 8/2015 và hoàn thành sau 47 tháng. Tuy nhiên, do vướng mắc một số vấn đề về giải ngân, cây cầu hiện tạm dừng thi công.

Theo VEC, cầu Bình Khánh là cầu có tĩnh không 55 m - cao nhất nước, bắc qua sông Soài Rạp là luồng hàng hải cho tàu biển 30.000 đến 50.000 tấn lưu thông về TP.HCM. Trong ảnh là hàng chục trụ cầu mọc cao chót vót trên sông Soài Rạp

Theo phương án thiết kế được TP.HCM công bố chọn đầu tháng 3/2019, cầu Bình Khánh Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn).

Chiều dài nhịp chính của cây cầu này tương ứng là 375 m và 300 m. Theo ông Nguyễn Kim Cương, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu J1, cầu dây văng Bình Khánh có trụ cầu cao 150 m - cao nhất Việt Nam khi hoàn thành.

Cầu Phước Khánh sẽ là cây cầu đầu tiên nối huyện đảo của TP.HCM là Cần Giờ, từ đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài (quận 7) nối với đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác.

Công trình có sứ mệnh sẽ thay thế phà Bình Khánh. Việc đi lại Cần Giờ với trung tâm thành phố sẽ thuận tiện hơn khi cầu được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông vùng miền Tây và Đông Nam Bộ mà không phải đi qua trung tâm TP.HCM.

Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hai-cau-day-vang-o-tphcm-co-do-tinh-khong-cao-nhat-viet-nam-post1018703.html