Hai cây cầu biểu tượng của TP.HCM chính thức được mang tên mới

Sáng 14/6, hai cây cầu Thủ Thiêm 1 và Thủ Thiêm 2 chính thức được gắn biển tên lần lượt là Thủ Thiêm và Ba Son, sau 6 tháng được HĐND TP.HCM thông qua.

Buổi lễ do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son có ý nghĩa to lớn đối việc phát triển kinh tế - xã hội khu phía Đông TP.HCM.

Nghi thức gắn biển tên cầu Ba Son

Theo ông Dương Anh Đức, địa danh Thủ Thiêm, Ba Son gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM. Việc dùng địa danh Thủ Thiêm và Ba Son để đặt tên 2 cây cầu giúp tạo kết nối giữa xưa và nay trong lòng đô thị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, tăng cường thu hút đầu tư.

"Tôi đề nghị ngành GTVT duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường để 2 công trình thực sự trở thành điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, là điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân, du khách", ông Đức nói.

Trước đó, ngày 9/12/2022, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết đặt tên mới cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.Theo đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Thủ Thiêm. Cầu dài 1,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng được khánh thành năm 2008. Tên Thủ Thiêm được người dân gọi từ thế kỷ XVIII. Chính quyền thời đó cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và phòng thủ cho khu vực trung tâm.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại lễ gắn biển tên cầu Ba Son

Còn cầu Thủ Thiêm 2 kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son. Cầu được khởi công năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, có chiều dài hơn 1.400 m với 6 làn xe. Thiết kế dây văng với trụ tháp chính của cầu được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm TP qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Đây cũng là địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/tphcm-cong-bo-ten-cau-thu-thiem-va-ba-son-c2a54927.html