Hai chiếc F-15E phá hủy căn cứ Mỹ tại Syria

Không quân Mỹ vừa bất ngờ điều 2 chiếc tiêm kích F-15 không kích và phá hủy chính căn cứ của mình tại miền nam Kobani, Syria.

Đại tá Lục quân Mỹ Myles Caggins, người đại diện của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu tại Syria cho biết, ngày 16/10, hai chiếc tiêm kích F-15E đã thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy đạn dược cất trữ tại nhà máy xi măng Lafarge ở Kobani theo kế hoạch từ khi Mỹ rời đi.

Nhà máy Lafarge từng đóng vai trò như trung tâm điều phối dành cho liên quân do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng người Kurd tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Đại tá Caggins khẳng định, mọi thành viên liên quân cùng "trang thiết bị chiến thuật thiết yếu" đã rời căn cứ Kobani trước vụ không kích của F-15E.

Tiêm kích F-15.

Tiêm kích F-15.

Nhưng theo truyền thông Nga, tại căn cứ này, Mỹ vẫn còn lưu giữ số lượng lớn vũ khí bao gồm đạn cối, đạn pháo, vũ khí cá nhân và đặc biệt có cả loại đạn pháo chính xác Excalibur được chuyển đến Syria hồi năm 2017 dùng cho lựu pháo M777 mà Mỹ vẫn chưa kịp rút đi.

Theo lý giải, nếu căn cứ và kho vũ khí Mỹ trống rỗng như Đại tá Caggins tuyên bố thì việc phải huy động tới 2 chiếc F-15E không kích và phá hủy những gì còn lại thực sự không cần thiết. Hành động này chỉ có thể được giải thích là Mỹ không muốn những vũ khí mới của mình, đặc biệt là đạn Excalibur lọt vào tay bất kỳ lực lượng nào tại Syria sau khi rút đi.

Excalibur của pháo tự hành M777 sử dụng hệ thống dẫn đường GPS để cung cấp độ chính xác, hiệu quả cao ngay từ phát bắn đầu tiên trong bất cứ môi trường nào. Với việc sử dụng Excalibur, pháo binh Mỹ có thể tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, cũng như công tác hậu cần so với khi dùng các loại đạn pháo thông thường.

Qua những lần sử dụng tấn công khủng bố tại Syria cho thấy, cần từ 10 đến 50 quả đạn pháo thường mới thực hiện được điều mà 1 quả đạn pháo Excalibur làm được. Có được khả năng này là bởi đạn Excalibur có thể tấn công chính xác bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi 50km với sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) chỉ khoảng 4m.

Điều đặc biệt là ngay trước khi căn cứ tại Kobani bị chính Mỹ phá hủy, phóng viên của hãng RT hôm 15/10 đã quay được những hình ảnh hiếm thấy bên trong tổ hợp quân sự của Mỹ ở tây nam thành phố Manbi, phía bắc Syria.

Hình ảnh được công bố cho thấy, lực lượng Mỹ có vẻ đã rút đi trong vội vã, để lại phía sau nhiều đồ dùng cá nhân và khí tài quân sự. Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/10 bất ngờ quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, bỏ mặc các đồng minh người Kurd.

Ngay khi lực lượng Mỹ rút, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức thực hiện chiến dịch quân sự "Mùa xuân hòa bình" nhằm loại bỏ các tay súng người Kurd mà Ankara coi là khủng bố khỏi "vùng an toàn" họ muốn thiết lập ở dọc khu vực biên giới với Syria. Quyết định của Thổ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.

Đáp trả động thái của Thổ tại Syria, một số quốc gia châu Âu thông báo ngưng bán vũ khí cho Ankara, trong khi Mỹ tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt với các quan chức và thực thể Thổ Nhĩ Kỳ.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/hai-chiec-f-15e-pha-huy-can-cu-my-tai-syria-3389609/