Hai chính sách 'phải có'

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để phát triển đột phá, TP. Hồ Chí Minh phải được chủ động trong huy động vốn và lập quỹ đất để phát triển hạ tầng và triển khai các dự án ở TP. Thủ Đức.

“Đầu tàu của đầu tàu”

- Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh tại Kỳ họp vào tháng 5 tới. Theo ông, một Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14 có ý nghĩa như thế nào với thành phố ở thời điểm này?

- Quốc hội Khóa XIV thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là quyết sách chính xác với nhận thức TP. Hồ Chí Minh là “đầu tàu của đầu tàu”. Nghĩa là, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam trong khi trọng điểm kinh tế phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước.

TP. Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết mới được 2 năm thì xảy ra dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021. Năm 2022 phải tập trung khắc phục hậu quả dịch bệnh để lại, khôi phục kinh tế. Như vậy về bản chất, việc thực thi Nghị quyết 54/2017/QH14 chỉ có 2 năm. Đến cuối năm 2022 và quý I.2023, tình hình đã thay đổi, nhiều quyết sách ưu đãi cho TP. Hồ Chí Minh không còn phù hợp và bộc lộ hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc có một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 và phù hợp với tình hình mới là điều tất yếu và kịp thời giúp thành phố phát huy các thế mạnh, có bước phát triển đột phá.

-Nhìn lại 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 kết quả chưa được như mong đợi. Có ý kiến cho rằng, một nguyên nhân mang tính quyết định là các cơ chế đặc thù cho thành phố chưa có gì vượt trội, đột phá. Ông có tán thành với nhận định này không?

- Tôi không cho rằng kết quả triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 chưa được như mong đợi là do làm nóng vội hay do các cơ chế đặc thù chưa vượt trội, chưa đột phá. Nghị quyết của Quốc hội quy định các chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm đó là vượt trội nhưng chỉ có 2 năm thực hiện, còn 3 năm là “buông” để tập trung chống dịch. Trong dịch bệnh, các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết không phát huy hết hiệu quả.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước kỳ vọng gì ở TP. Hồ Chí Minh và năng lực của thành phố còn thiếu điều gì để thực hiện kỳ vọng đó? Quốc hội có trách nhiệm ban hành những cơ chế, chính sách để lấp đầy điểm yếu đó. Tôi cho rằng đây là mục tiêu quan trọng nhất để ban hành một Nghị quyết mới thí điểm các chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Chủ động huy động vốn và lập quỹ đất

- Theo ông, trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 nên có những cơ chế, chính sáchđặc thù nào giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển đột phá?

- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, TP. Hồ Chí Minh dần chuyển thành trung tâm tài chính, khoa học, dịch vụ của cả khu vực phía Nam. Đấy là điều chúng ta cần kỳ vọng và là nhiệm vụ đặt ra cho thành phố. Do đó, có hai cơ chế cần được đặt ra với Nghị quyết mới.

Đầu tiên, phải phân cấp phân quyền mạnh hơn nữa để thành phố có thể chủ động huy động vốn, đáp ứng được phát triển hạ tầng cho khu vực. Ví dụ, tuyến đường vành đai 3 (đi qua địa phận 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh - PV) đang làm theo hướng qua tỉnh nào thì tỉnh đó chịu trách nhiệm đầu tư. Nó không sai so với quy định hiện hành nhưng rất khó để phát huy được đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nếu quy hoạch và cơ chế đúng, chúng ta có thể có phép TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu địa phương để làm nhiệm vụ đó và Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Trái phiếu đó bao gồm cả tiền thực hiện cả những cơ sở hạ tầng nằm trên địa phận hành chính TP. Hồ Chí Minh và địa phận hành chính các tỉnh khác.

Chúng ta phải đi từ tư duy không gian kinh tế không có địa phận hành chính. Đây là một không gian kinh tế thống nhất của cả nước, cả vùng. Không phải là vì nợ công, nợ Chính phủ mà chúng ta ngần ngại không cho TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu, ngần ngại việc Chính phủ bảo lãnh cho thành phố. Đấy mới là cơ chế đặc thù, cơ chế tài chính mạnh nhất dành cho thành phố.

- Cơ chế thứ hai là gì, thưa ông?

- Đó là phải cho TP. Hồ Chí Minh cơ chế là lập quỹ đất của thành phố để có thể chủ động trong việc triển khai dự án ở khu vực TP. Thủ Đức. Từ đó, phục vụ thu hút các nhà đầu tư, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ vào hoạt động trong đó.

Các nhà đầu tư không cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân 5 năm đầu là 50%, 5 năm sau là 30%... và các thứ khác. Cái họ cần là tạo điều kiện để họ có thể triển khai xong dự án nhanh từ 18 - 24 tháng và chế độ “một cửa” chứ không phải là việc giảm thuế. Một doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đô la như chúng ta mong đợi, nếu triển khai dự án nhanh, thời gian ngắn nhất họđã tiết kiệm được vài nghìn tỷ đồng nếu tính lãi suất vay của ngân hàng Việt Nam.

Vì thế không nên đưa vấn đề giảm thuế ra trong Nghị quyết mới mà nên chấp nhận cho phép ngân sách thành phố dành một khoản để giải phóng mặt bằng phục vụ các nhà đầu tư đầu tư nhà máy, trung tâm tài chính và quan trọng là đầu tư chỗ ở và các tiểu khu ở phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị thông minh và thành phố xanh.

Theo tôi, đây là hai ưu đãi cần thể hiện rõ trong Nghị quyết mới.

Đừng “lăn tăn” biên chế của ủy ban phường

- Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu “sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP. Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Điều này cần cụ thể hóa như thế nào trong Nghị quyết mới cho thành phố, ngoài hai chính sách ông vừa nhắc tới?

- Ngoài việc cần cụ thể hóa được hai điểm chính đã nêu ở trên, theo tôi, không nên “lăn tăn”chuyện UBND phường bao nhiêu người, cơ cấu ra sao…, đó là việc của ngân sách thành phố. Nghị quyết cần thật ngắn gọn. Đồng thời, rà soát các luật và hai chính sách nêu trên nếu vướng về luật thì sửa đổi và ghi vào Nghị quyết.

Ví dụ: Chủ trương Chính phủ không tiến hành bảo lãnh trái phiếu cho các địa phương phải bỏ. Trong Nghị quyết phải ghi được: “TP. Hồ Chí Minh được quyền phát hành trái phiếu địa phương và Chính phủ có nghĩa vụ bảo lãnh cho thành phố, trên cơ sở các dự án được Bộ Chính trị quy định trong Nghị quyết 31”. Nghị quyết cũng phải đặt mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Đức thành một trung tâm tài chính của Việt Nam.

Và, theo tôi đã là Nghị quyết phải có không gian, thời gian khống chế để sau này chúng ta tổng kết, rút kinh nghiệm và luật hóa. Để không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà các tỉnh khác trong khu vực đều có một cơ chế thông thoáng như thế. Thời gian chỉ trong 5 năm để tổng kết và luật hóa; không gian là khu vực TP. Hồ Chí Minh. Việc của các cơ quan của Quốc hội dựa trên hai mục tiêu lớn rà soát lại hệ thống luật, điểm nào giao thoa với luật khác thì chúng ta quy định mạnh mẽ hơn và đưa vào Nghị quyết thực hiện trong vòng 5 năm. Về các mục tiêu, yêu cầu thì trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Quyết định 34 của Thủ tướng về Đông Nam Bộ đều đã có rồi.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/hai-chinh-sach-phai-co-i326114/