Hai cựu Giám đốc Công ty Cofidec kêu oan

Hôm nay (18/8), TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cty Cofidec) ra xét xử phúc thẩm lần 2.

Trước đó, vào ngày 14/3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 2, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Xuân (nguyên quyền Giám đốc Cty Cofidec từ năm 2006) 4 năm tù cho tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 1 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo tại Phiên tòa

Ba bị cáo cùng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là Võ Huệ Trân (nguyên Giám đốc từ năm 1987 đến năm 2006) 3 năm tù; Đặng Hữu Thịnh (nguyên Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu) 2 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) và Ngô Ngọc Sơn (nguyên phó Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu) 2 năm 5 tháng 3 ngày tù.

Trước đó, vào ngày 5/9/2012, vụ án đã được TAND TP.HCM đưa ra xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Xuân đã bị tuyên 9 năm tù; Võ Huệ Trân 4 năm tù; Đặng Hữu Thịnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Ngô Ngọc Sơn 2 năm 5 tháng 3 ngày tù bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại tòa.

Sau bản án sơ thẩm lần 1, VKSND TP.HCM có kháng nghị tăng án nguyên giám đốc Nguyễn Thanh Xuân vì bản án của TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo gây ra cho Nhà nước và VKS đề nghị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM (nay là TAND cấp cao tại TP.HCM) xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Xuân. Với 3 bị cáo còn lại, VKS không kháng nghị.

Đến ngày 6/3/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu, với lý do còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Theo nội dung bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên lần 2 (ngày 14/3), từ năm 2004, Võ Huệ Trân và Nguyễn Thanh Xuân (lúc đó là Giám đốc và phó Giám đốc Công ty Cofidec) chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài giả tạo để mở tờ khai hải quan, đưa một số lượng lớn tôm đông lạnh sang Mỹ tiêu thụ, Trân và Xuân chỉ đạo Đặng Hữu Thịnh và Ngô Ngọc Sơn lập hợp đồng mua bán giả với các đối tác nước ngoài, giả chữ ký, mạo danh khách hàng, làm giả hồ sơ hải quan...

Các bị cáo đã xuất khẩu một lượng lớn hàng thủy, hải sản đông lạnh sang Mỹ, gây thất thoát cho Nhà nước gần 39 tỷ đồng, không còn khả năng thu hồi.

Ngoài ra, vào cuối năm 2004, Công ty TNHH Thủy sản Bạc Liêu (là Công ty của gia đình Xuân) ký hợp đồng ủy thác cho Cty Cofidec nhập khẩu hệ thống máy sấy thăng hoa. Xuân chỉ đạo Cty Cofidec thanh toán phần đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy hơn 50 triệu đồng, làm lợi cho Cty của gia đình Xuân, nhưng gây thiệt hại cho Cty Cofidec…

Sau án sơ thẩm lần 2, hai ông Nguyễn Thanh Xuân, Võ Huệ Trân kháng cáo kêu oan. Viện trưởng VKSND TP.HCM có kháng nghị cấp phúc thẩm xét xử tăng hình phạt đối với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Thanh Xuân.

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay (18/8), cả hai bị cáo Xuân, Trân đều không yêu cầu luật sư bảo vệ cho mình.

Tự bảo vệ mình về cáo buộc của tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Thanh Xuân nói rằng, tình hình Công ty lúc đó khiến bị cáo quyết định xuất khẩu vì tôm đông lạnh trong kho trị giá trên 100 tỷ đồng; công nhân không có việc làm; ngân hàng đòi nợ… Việc thiệc hại của vụ án là do chưa thu hồi được công nợ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Xuân cũng trình bày là trước khi ký các hợp đồng xuất khẩu, Ban giám đốc Công ty cũng họp thông qua và Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (đơn vị chủ quản) cũng “bật đèn xanh” cho việc xuất khẩu này…

Bị cáo Xuân cũng bác cáo buộc của tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là các khoản chi cho số tiền thanh toán phần đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy… cho đối tác có pháp nhân, không phải làm lợi cho Công ty của gia đình Xuân.

Bị cáo Võ Huệ Trân tự bảo vệ mình khi cho rằng do Công ty tồn kho nhiều nên thực hiện các hợp đồng xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa hôm nay (18/8) cho rằng, kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Xuân là có cơ sở, bị cáo gây thiệt hại 39 tỷ đồng mà cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt 4 năm tù cho tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa tương xứng hành vi sai phạm của bị cáo… Từ đó VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Xuân 13-14 năm tù cho tội danh này.

Về kháng cáo tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của bị cáo Xuân và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của bị cáo Trân, VKS bác kháng cáo, đề nghị HĐXX giữ nguyên khung hình phạt như án sơ thẩm.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm vì nhiều nội dung của vụ án cần được làm rõ.

Văn Vũ

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/sau-vanh-mong-ngua/hai-cuu-giam-doc-cong-ty-cofidec-keu-oan-222466.html