Hai cựu giám đốc sở tại Thái Nguyên đối diện mức án nào?

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thanh Tuấn từ 4-5 năm tù; trong khi đó cựu Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngô Quyết từ 15-18 tháng tù.

Sau 3 ngày xét hỏi, sáng 12/10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 33 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Yên Phước và các đơn vị liên quan.

Với vai trò chủ mưu trong vụ án, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Yên Phước bị đề nghị tuyên án 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 21-23 năm tù.

Hai anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) bị đề nghị lần lượt mức án tổng cộng là 48-60 tháng tù và 60-72 tháng tù về 2 tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (ảnh trái) và Nguyễn Thế Giang khai báo tại tòa.

Các bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Huy Cương và Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng và Phó phòng Kỹ thuật an toàn môi trường) cùng bị đề nghị mức án 15-18 tháng tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo trên cũng được đề nghị miễn hình phạt bổ sung.

Các bị cáo tại Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên gồm Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc; Nguyễn Thế Giang, cựu Phó giám đốc, cùng bị đề nghị tuyên phạt 4-5 năm tù; Cao Sỹ Linh, chuyên viên Phòng Khoáng sản và Lại Trung Hiếu, Phó chánh Thanh tra sở này bị đề nghị 3-4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; miễn hình phạt bổ sung.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn cùng 3 cấp dưới bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 7-12 năm tù.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, Công ty Yên Phước đã cấu kết với Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm tại Mỏ than Minh Tiến, vượt hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép, thu lợi bất chính hơn 375 tỷ đồng.

Để xảy ra hoạt động khai thác trái phép trên, các bị cáo tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên được xác định đã không thực hiện thanh tra theo kế hoạch; chỉ 4 lần kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh và kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên, trong 4 lần kiểm tra này, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Giang được cử làm Trưởng đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra; không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên.

Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước, xác định doanh nghiệp khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra, không chỉ đạo đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế.

Trong quá trình kiểm tra, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cũng đã phát hiện nhiều sai phạm tại đây, nhưng không báo cáo, hoặc chỉ đề xuất đưa vào kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Cùng với đó, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên và cấp dưới đã cấp trái phép cho Công ty Yên Phước gần 10 tấn vật liệu nổ, là phương tiện để các bị cáo thực hiện hành vi khai thác than trái phép với số lượng lớn.

Tại tòa, bị cáo Quyết khai nhận hành vi của mình, song cho rằng “việc thực hiện thủ tục cấp phép như trên là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng khai thác than”.

Bị cáo này cũng thừa nhận đã nhận 100 triệu đồng từ Châu Thị Mỹ Linh, song đã nộp lại trong quá trình vụ án được điều tra.

Các bị cáo trong vụ án khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than tại Thái Nguyên.

Liên quan tới công tác xử lý vật chứng, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo nộp lại số tiền đã được hưởng từ việc khai thác trái phép than, trong đó Châu Thị Mỹ Linh là hơn 151 tỷ đồng; Ngụy Quang Thuyên là gần 10 tỷ đồng; nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 213 tỷ đồng; Đàm Hương Huệ là hơn 38 tỷ đồng; Đỗ Thị Luyến gần 1,5 tỷ đồng.

Thêm vào đó, buộc các bị cáo hưởng lợi từ việc mua bán trái phép hóa đơn, trong đó Lã Xuân Hữu là hơn 30 tỷ đồng; Trần Ngọc Hán hơn 19 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cũng đề nghị tiếp tục tạm giữ, kê biên phong tỏa, tạm dừng giao dịch để đảm bảo thi hành án đối với 61 bất động sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và 6 xe ô tô; số tiền hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng Liên Việt chi nhánh Thái Nguyên; số tiền hơn 124 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để khắc phục;

Tịch thu, tiêu hủy hoặc nộp ngân sách Nhà nước đối với hơn 1,6 triệu tấn than thu giữ tại các bãi than của Công ty Đông Bắc Hải Dương, Công ty Yên Phước.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-cuu-giam-doc-so-tai-thai-nguyen-doi-dien-muc-an-nao-d200717.html