Hai cựu giám đốc Sở thừa nhận trách nhiệm trong vụ khai thác than lậu

Ngày 10/10, TAND tỉnh Thái Nguyên tiến hành xét xử Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước) và hai cựu giám đốc Sở tỉnh này trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Tổng giám đốc nhận cả trăm tỷ đồng

Trong vụ án này, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về thăm dò khai thác tài nguyên” và tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Bị cáo Linh được xác định là chủ mưu, câu kết cùng Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác thực tế hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, thu lợi bất hợp pháp hơn 151 tỷ đồng.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Linh cho biết, trong quá trình làm việc, ký kết với Công ty Đông Bắc Hải Dương để khai thác than, chủ yếu bị cáo làm việc với bị cáo Bùi Hữu Giang và bị cáo Bùi Hữu Thanh (là anh em song sinh, còn được gọi là “đại gia than lậu”, cổ đông Công ty Đông Bắc Hải Dương).

Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (đứng) thừa nhận đã nhận số tiền hàng trăm tỷ đồng từ tiền bán than tại mỏ Minh Tiến

“Giang và Thanh giống nhau quá nên khi làm việc đôi lúc bị cáo không phân biệt được rõ. Nhóm này có nhiều người, nhưng bị cáo chỉ làm việc chính với Giang và Thanh. Chỉ biết Giang làm nhiệm vụ chính là khai thác, còn Thanh bàn bạc với bị cáo là muốn mua lại than từ mỏ. Về nội dung hợp đồng ký kết khai thác 400.000 tấn than/năm, thực sự trong tâm thức bị cáo nghĩ là đó chỉ là hợp đồng nguyên tắc” - bị cáo Châu Thị Mỹ Linh trình bày.

Về giá tiền, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh khai bán cho Đông Bắc Hải Dương là 450.000 đồng một tấn than thành phẩm. “Cơ bản thì công ty Yên Phước chỉ cho Đông Bắc Hải Dương thuê mỏ để khai thác, không phải là bán mỏ” - Châu Thị Mỹ Linh khai.

Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh thừa nhận chỉ nhận số tiền khoảng 120 tỷ đồng từ Đông Bắc Hải Dương từ tiền bán than tại mỏ Minh Tiến: “Bị cáo nhận nhiều lần, có lúc nhiều thì 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đến năm 2021 là 90,3 tỷ đồng, sau đó Đông Bắc Hải Dương có xin nợ lại hơn 27 tỷ".
Để che giấu hoạt động khai thác than trái phép, vượt quá trữ lượng, bị cáo Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã tạo lập khống các hợp đồng khai thác than với sản lượng 8.000 tấn/năm; hợp đồng mua bán thành phẩm sau khai thác và nhiều hóa đơn, chứng từ, nhằm hợp thức việc kê khai, báo cáo với các cơ quan chức năng.

Linh còn chỉ đạo cấp dưới lập và ký với Bùi Hữu Khoa (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương) các biên bản nghiệm thu khối lượng than nguyên khai được khai thác hàng tháng chỉ từ 900 đến 1.400 tấn, để phù hợp với sản lượng khai thác ghi tại hợp đồng khống và phù hợp với số lượng than được phép khai thác hàng năm.

Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Các bị cáo Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang và đồng phạm khai nhận, để hợp thức số than khai thác và tiêu thụ trái phép, các bị cáo này đã mua 475 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị gồm cả thuế lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ tiền bán than lậu.

Cũng theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép mỏ than Minh Tiến, một số cựu lãnh đạo tại Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều vi phạm, trong đó, tại 4 lần kiểm tra, các sai phạm của nhóm khai thác lậu đều bị bỏ qua.

Hai cựu giám đốc Sở thừa nhận trách nhiệm

Trong phiên xử buổi chiều 10/10, tòa đã tiến hành xét hỏi hai cựu Giám đốc Sở của Thái Nguyên là bị cáo Nguyễn Ngô Quyết - cựu Giám đốc Sở Công Thương và bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết; Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công Thương) và Đỗ Huy Cương (cựu Phó trưởng phòng) đã thẩm định, tham mưu và ký ban hành Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp số 19/2018/GP-SCT ngày 9/10/2018 với khối lượng 12.856 kg/năm. Con số này vượt 9.796 kg/năm so với khối lượng sử dụng khai thác theo thiết kế cơ sở (3.060 kg/năm).

33 bị cáo hầu tòa vụ khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than ở Thái Nguyên

Trong vụ án này, anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và tội “Mua bán trái phép hóa đơn”

Việc cấp phép như trên tạo điều kiện cho công ty Yên Phước có vật liệu nổ công nghiệp sử dụng khai thác than vượt sản lượng được cấp phép.

Bị cáo Nguyễn Ngô Quyết khai nhận 100 triệu đồng từ bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc công ty Yên Phước) để tổ chức Đại hội Liên đoàn bóng bàn tỉnh Thái Nguyên, do Nguyễn Ngô Quyết làm Chủ tịch Liên đoàn. Về số tiền này, tại tòa bị cáo Quyết khai đã tự nguyện trả lại.

Về phần cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Tuấn, cáo trạng xác định: Với vai trò Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Tuấn là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, cơ quan truy tố cáo buộc Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nên không phát hiện được Công ty Yên Phước khai thác than không đúng với sản lượng ghi trên giấy phép.

Khi được tòa hỏi về trách nhiệm người đứng đầu Sở Tài nguyên Môi trường, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn khai: “Bị cáo thừa nhận thiếu sót của bị cáo là không có sự sâu sát, không phát hiện ra những tình huống nhạy cảm, không có những chỉ đạo sát sao hơn”.

Bị cáo Tuấn cũng thừa nhận trách nhiệm khi trình UBND tỉnh ký giấy phép cho công ty Yên Phước: “Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo thấy có một số điều kiện chưa được đáp ứng”.

Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Châu Thị Mỹ Linh là Tổng giám đốc.

Công ty Yên Phước sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59 ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.

Tuy nhiên, bị cáo Linh đã "cấu kết" với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.

Tính đến thời điểm bị khởi tố, nhóm người này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm. Trong đó, có 2,7 triệu tấn than; 420.000 mét khối bã sàng và đá đen. Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Nguyễn Liên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hai-cuu-giam-doc-so-thua-nhan-trach-nhiem-trong-vu-khai-thac-than-lau-400361.html