Hai đại gia quê Vĩnh Phúc xộ khám; DN của 'nữ hoàng vàng bạc' thu kỷ lục

Hai đại gia ở Vĩnh Phúc sở hữu tập đoàn 'lớn nhanh như thổi' rồi nhúng chàm; PNJ của 'nữ hoàng vàng bạc' có doanh thu kỷ lục trong tháng 2; loạt doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát bị phạt... là tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Giá vàng sôi sục, doanh nghiệp của đại gia Cao Thị Ngọc Dung thu kỷ lục

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) của "nữ hoàng vàng bạc" Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2024 với doanh thu thuần 4.649 tỷ đồng và lãi ròng 305 tỷ đồng, lần lượt tăng 63% và 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù tình hình sức mua chung trong mùa Tết 2024 còn khiêm tốn nhưng PNJ vẫn ghi nhận doanh thu thuần lũy kế hai tháng đạt 8.478 tỷ đồng, tăng 21,6% so với nền kỷ lục của năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. (Xem chi tiết)

Vi phạm trái phiếu, loạt doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát bị phạt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành loạt quyết định xử phạt đối với 3 doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì vi phạm công bố thông tin trái phiếu.

3 doanh nghiệp này là: Công ty Cổ phần (CTCP) Đại Phú Hòa, CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah và CTCP Đầu tư Quang Thuận. Mỗi doanh nghiệp trên đều bị UBCKNN xử phạt số tiền là 92,5 triệu đồng. (Xem chi tiết)

Hai đại gia ở Vĩnh Phúc sở hữu tập đoàn ‘lớn nhanh như thổi’ rồi nhúng chàm

Dư luận cả nước đang đổ dồn về Vĩnh Phúc - nơi có đại gia Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “Pháo”) - xộ khám, kéo theo hai lãnh đạo tỉnh đương chức bị khởi tố, bắt tạm giam.

Cũng là đại gia nổi tiếng một thời và cùng quê Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quyết có giai đoạn được xếp hạng là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng cũng nhận kết cục bị khởi tố, bắt tạm giam.

Hai đại gia quê ở Vĩnh Phúc là Nguyễn Văn Hậu và Trịnh Văn Quyết đều có điểm chung ở xuất phát điểm nghèo khó rồi xây dựng doanh nghiệp nghìn tỷ đồng và cuối cùng bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bởi những sai phạm nghiêm trọng. (Xem chi tiết)

Nhiều lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định của quốc gia này. (Xem chi tiết)

Trung Quốc ồ ạt gom mua tôm hùm Việt, xuất khẩu tăng gấp 19 lần

Hai tháng vừa qua, Trung Quốc mạnh tay gom mua tôm hùm của Việt Nam. Tính tới cuối tháng 2 năm nay, xuất khẩu tôm hùm của nước ta ước đạt gần 30 triệu USD, tăng 1.775% so với mức 1,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, tức gấp gần 19 lần.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam. Trong hai tháng, quốc gia tỷ dân này chi gần 29 triệu USD mua các loại tôm hùm của Việt Nam. (Xem chi tiết)

Giá tôm hùm bông rớt mạnh, người nuôi thua lỗ, phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trong nước. Ảnh: Xuân Ngọc

Thủ tướng: Xử lý ngay chênh lệch giá vàng với thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế. (Xem chi tiết)

Đề xuất có cơ chế can thiệp thị trường vàng

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã triển khai hơn 10 năm. Hiện nay, thị trường vàng có nhiều biến động, diễn biến không ổn định, chứng tỏ Nghị định 24 đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Bộ Công an cho rằng, khi sửa đổi nghị định này, cần phải đánh giá tổng thể vai trò dự trữ vàng hiện nay; đồng thời cũng phải đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng miếng SJC; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế can thiệp thị trường; bổ sung quy định về biên độ chênh lệch,… (Xem chi tiết)

Dùng từ 700 số điện sẽ áp giá điện bậc cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện.

Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của EVN và Tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân (giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 2.006,79 đồng/kWh).

Theo đó, bậc thấp nhất có giá trên 1.806 đồng/kWh, bậc cao nhất có giá là hơn 3.600 đồng/kWh. Các hộ dùng từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. (Xem chi tiết)

Pacific Airlines không còn máy bay, khách đã mua vé sẽ ra sao?

Thông tin chính thức về việc không còn tàu bay phục vụ hành khách, đại diện Pacific Airlines chiều 18/3 cho biết, hãng đang tiến hành tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để đảm bảo và gia tăng hiệu quả hoạt động.

Pacific Airlines cho hay những hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lịch bay mới hoặc chuyển sang các chuyến bay của Vietnam Airlines. (Xem chi tiết)

Bộ Công Thương hỏa tốc chỉ đạo về xuất hóa đơn từng lần bán xăng dầu

Ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ký văn bản hỏa tốc gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.

Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thủ tướng giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-dai-gia-que-vinh-phuc-xo-kham-dn-cua-nu-hoang-vang-bac-thu-ky-luc-2263006.html