Hải đăng Ba Kiềm – ngọn đèn biển trên núi Hồ Linh

Ngọn hải đăng Ba Kiềm nằm trên đỉnh núi Hồ Linh, thuộc địa phận xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Hải đăng Ba Kiềm được xây dựng và hoạt động từ năm 2006, hơn 13 năm qua, ngọn đèn này chưa một lần ngưng nghỉ để chỉ đường, định vị phương hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển.

Hệ thống đèn của ngọn hải đăng Ba Kiềm có tầm chiếu sáng hiệu lực với bán kính hoạt động hơn 30km vào ban đêm.

Hệ thống đèn của ngọn hải đăng Ba Kiềm có tầm chiếu sáng hiệu lực với bán kính hoạt động hơn 30km vào ban đêm.

Theo tuyến đường ven biển Vũng Tàu – Bình Châu, chúng tôi tìm đến núi Hồ Linh (còn gọi là núi Hai Cô). Dãy núi Hồ Linh là một phần trong quần thể Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Tọa lạc trên đỉnh núi cao hơn 100m so với mặt biển là ngọn Hải đăng Ba Kiềm sừng sững.

Theo bảng chỉ dẫn sát bên tuyến đường ven biển Vũng Tàu – Bình Châu, chúng tôi đi bộ theo con đường nhỏ quanh co để lên ngọn hải đăng Ba Kiềm trên núi Hồ Linh. Hành trình lên đỉnh núi khá vất vả, hai bên là rừng cây rậm rạp. Mới đi được vài trăm mét tôi đã thấy hoa mắt, mỏi chân. Dù thời điểm này chỉ 10 giờ sáng, cùng với tầng lớp cây rừng che chắn, nhưng những vạt nắng chói chang đến oi bức, ngột ngạt. Trên đường đi, tiếng bước chân xào xạc trên lá khô, giẫm đạp cành cây mục của chúng tôi làm những chú chim rừng giật mình vỗ cánh bay, tiếng chim ríu rít vang lên phá tan không gian tĩnh lặng của núi rừng.

Đi được khoảng gần 1.000m đường rừng bằng phẳng, chúng tôi được thiên nhiên “kiểm tra sức khỏe” khi mà những tảng đá to chắn lối, nhấp nhô, rễ cây, tre sậy vắt ngang đường. Len lỏi theo lối đi hẹp giữa các tảng đá, lùm cây khoảng 20 phút thì chúng tôi cũng đặt chân lên đến trạm hải đăng Ba Kiềm.

Đón chúng tôi ngay bậc cầu thang lên trạm, anh Nguyễn Kim Hạnh – Trạm trưởng hải đăng Ba Kiềm hỏi thăm: “Leo lên đây mệt lắm hả. Mùa khô đi lại còn đỡ chứ mùa mưa đường dốc trơn trượt đi lại vất vả nhiều hơn”. Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Dưới chân núi, cây rừng bao phủ chung quanh, thỉnh thoảng điểm xuyết những chùm hoa rừng sắc tím, sắc vàng nổi bật trên nền rừng xanh đậm. Phóng tầm mắt ra xa là biển xanh bao la, gần bờ những con sóng nhẹ dập dờn tạo nên những dải lụa trắng xóa theo hình vành cung của bãi biển Hồ Cốc - Bưng Riềng.

Hải đăng Ba Kiềm ở tọa độ địa dư 09o58’26.5”N – 109o05’03.8”E, chiều cao tháp đèn 12,5m, tâm sáng 122m, màu ánh sáng trắng, chớp nhóm 3 chu kỳ 10s. Vì vậy, với ánh sáng phát ra từ hải đăng Ba Kiềm, ghe tàu ở cách bờ 19 hải lý (hơn 30km) vào ban đêm vẫn nhìn thấy rõ. “Ban ngày, người đi biển căn cứ vào màu sắc của ngọn đèn để định hướng, biết mình ở hải phận nào, khoảng cách bao xa. Còn ban đêm thì căn cứ tín hiệu đèn chiếu xa để xác định vị trí trên biển, hướng di chuyển phương tiện”, anh Hạnh cho biết.

Trạm hải đăng Ba Kiềm thuộc sự quản lý, vận hành của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ (thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam). Trạm có 5 cán bộ, nhân viên với các độ tuổi. Trong điều kiện làm việc xa gia đình và vợ con, lại ở giữa rừng xanh, núi cao nên họ gắn bó với nhau thân thiết, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống, sinh hoạt và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ của người gác đèn biển.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, người thâm niên lâu nhất trong nghề bảo đảm an toàn hàng hải cho biết, anh em của trạm đều có vợ con ở TP.Vũng Tàu, nhưng nửa tháng hoặc cả tháng mới về thăm nhà, do đặc thù công việc vừa bảo vệ, duy trì phát sáng liên tục của ngọn hải đăng vừa làm nhiệm vụ duy tu trạm, phát quang cây rừng, bụi rậm… Khí hậu trên đỉnh núi Hồ Linh rất khắc nghiệt với 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng không khí khô khốc đến rạc người, thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, các anh em phải xuống làng chài ven biển tắm giặt nhờ. Sau đó, vác từng can nước lên trạm để sử dụng ăn uống. Mùa mưa, nước ngọt có phần thoải mái hơn nhưng phải chuẩn bị dụng cụ hứng nước, lưu giữ để dùng.

Trạm hải đăng Ba Kiềm chia ca trực cho các thành viên từ 0 giờ mỗi ngày. Đối với ca trực đêm, đòi hỏi người trực phải thức suốt ca để canh giữ cho đèn luôn chớp nháy theo chu kỳ. Nếu chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn, ánh đèn không chớp thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, có khi đi sai luồng hàng hải, hậu quả sẽ rất khó lường. Nhất là đối với các thuyền đánh cá công suất nhỏ của ngư dân thường thiếu các thiết bị định vị, dẫn đường nên sẽ khó khăn trong việc xác định phương hướng. “Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, hải đăng là ngọn đèn biển không bao giờ được phép ngưng nghỉ việc chiếu sáng”, anh Nguyễn Kim Hạnh cho hay.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/hai-dang-ba-kiem-ngon-den-bien-tren-nui-ho-linh-884405/