Hải đội trưởng luôn hết mình vì ngư dân

Tốt nghiệp Học viện Hải quân, chàng sĩ quan trẻ Lê Văn Hải về nhận công tác tại Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế. Là thuyền trưởng, Phó Hải đội trưởng rồi trở thành người đứng đầu của đơn vị, Thiếu tá Lê Văn Hải được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị 'nể' không chỉ vì tác phong của người chỉ huy mà còn vì khả năng nhanh nhạy khi tác chiến trên biển. Còn đối với bà con ngư dân trên địa bàn lại ghi nhận về tấm lòng của anh qua mỗi đợt hỗ trợ, cứu kéo tàu thuyền bị nạn trên biển.

Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trúc Hà

Lần đầu tiên chúng tội gặp Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế khi anh đang làm nhiệm vụ cứu kéo cá tàu cá bị mắc cạn sau bão số 13 (tháng 11-2020). Ít ai có thể nghĩ rằng chỉ mới quân hàm Thiếu tá nhưng anh đã nhiều năm là người đứng đầu một đơn vị với rất nhiều thành tích, được chính quyền và nhân dân ghi nhận. Khu vực cửa khẩu cảng Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế là nơi tập trung các tàu thuyền trong tỉnh Thừa Thiên Huế và ngoại tỉnh về neo đậu mỗi khi thời tiết xấu.

Bão số 13 tuy không đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng khiến 17 tàu, thuyền bị chìm, sóng đánh dạt lên bờ mắc cạn. Thiếu tá Lê Văn Hải cho biết: Cơn bão số 13 là cơn bão có cường độ mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, khi tới vùng biển Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế có sức gió đạt cấp 90-10, giật cấp 12 (75-100km/giờ). Thêm nữa, bão số 13 có cường độ mạnh, nhưng tốc độ di chuyển chậm (chỉ 15-20km/ giờ) nên gió bão cứ vần vũ, khiến các tàu thuyền neo đậu trong các âu thuyền Hải Tiến, Phú Hải, Phú Thuận va đập vào nhau, nhiều chiếc bị chìm, một số khác bị sóng đánh rê neo dạt lên bờ mắc cạn.

Với tinh thần “cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”, bởi vậy mà sau khi bão tan, có lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế , Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế điều tàu và ca nô đi kéo tàu bị mắc cạn tại đập Hòa Duân. Suốt cả buổi sáng ngày 15-11, Thiếu tá Lê Văn Hải chỉ huy cán bộ, chiến sĩ sử dụng tàu BP 31-04-02 và 1 ca nô để kéo tàu TTH 92099TS của ông Trần Phi bị sóng đánh rê neo dạt lên bờ đập Hòa Duân. Đích thân Thiếu tá Lê Văn Hải lái tàu BP 31-04-02 và Thiếu tá Nguyễn Hải Quân, phó Hải đội trưởng Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế lái ca nô hỗ trợ, điều hướng các tàu cứu kéo.

Ông Phi và các thuyền viên không dấu nổi niềm vui khi tàu cá của mình được tàu của Hải đội 2 kéo thành công xuống nước. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì với 1 chiếc tàu như tàu TTH 92099TS của ông Trần Phi có giá trị hàng tỷ đồng, đây là tất cả tài sản tích cóp được sau bao nhiêu năm đi biển. Nếu tàu không kịp thời kéo xuống, nước rút nhanh sẽ phải thuê máy về “thổi” hoặc “bơm phao” sẽ rất tốn kém hoặc để lâu ảnh hưởng đến việc đi biển, chưa kể nếu để mắc cạn lâu, tàu có thể bị hư hỏng thì gia đình ông “trắng tay”.

Sau khi giải cứu được tàu TTH 92099TS đã là 11 giờ trưa, nhưng Thiếu tá Lê Văn Hải tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các tàu cá khác để kéo tàu vỏ sắt TTH 99999TS của ông Trần Văn Chiến cũng bị sóng đánh rê neo lên bờ đập Hòa Duân. Tàu TTH 99999TS là “tàu 67” đầu tiên của huyện Phú Vang, trị giá cả chục tỷ đồng. Sau bão, nước trong âu thuyền rút nhanh ra biển, nếu không nhanh chóng kéo tàu xuống nước, tàu bị mắc cạn sẽ rất khó xử lý nên Hải đội trưởng Lê Văn Hải động viên cán bộ, chiến sĩ “làm xong mới nghỉ”. Do tàu nặng lại mắc cạn sâu, sau nhiều lần kéo không thành công, Thiếu tá Lê Văn Hải đã yêu cầu chính quyền địa phương huy động thêm tàu cá để hỗ trợ đến kéo. Tất cả đều phải khẩn trương bởi còn rất nhiều tàu cá đang mắc cạn cần những người lính Biên phòng đến giải cứu.

Tàu của Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế cứu kéo các tàu cá bị mắc cạn sau bão số 13. Ảnh: Trúc Hà

Luôn hết lòng vì ngư dân nhưng Thiếu tá Lê Văn Hải cũng kiên quyết với các tàu vi phạm, nhất là tàu khai thác hải sản trái với quy định. Ngày 6-5-2020, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An nhận được thông tin có 2 tàu giã cào bay của Quảng Ngãi đang có hành vi khai thác thủy sản trái phép, cách bờ biển xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế ) 3,5 hải lý. Khi tổ tuần tra yêu cầu 2 tàu dừng lại thì 2 tàu cắt lưới bỏ chạy. Khi tổ tuần tra trục vớt lưới của tàu vi phạm, thì 2 tàu vi phạm gọi thêm 2 tàu cùng quê đến có hành động tấn công lực lượng chức năng để lấy lại lưới.

Trước tình hình phức tạp trên, Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Hải đội 2 điều động 2 tàu của đơn vị phối hợp với tổ tuần tra truy bắt các tàu vi phạm. Chỉ sau 15 phút nhận lệnh, Thiếu tá Lê Văn Hải đã cho tàu xuất kích lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sự xuất hiện của tàu tuần tra Hải đội 2 khiến các tàu vi phạm tìm cách tháo chạy. Quá trình bị đuổi bắt, lái tàu cố tình chạy lạng lách, ngăn cản và ném đá vào tàu của lực lượng Biên phòng. BĐBP Thừa Thiên Huế buộc phải nổ súng chỉ thiên thì 2 tàu này mới dừng lại. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ nhiều loại lưới giã cào cỡ lớn. Chủ của hai tàu cá số hiệu QNg 97267 TS và QNg 97279 TS là Nguyễn Văn Tân (31 tuổi) ở Quảng Ngãi buộc phải ký tên vào biên bản vi phạm.

Chia sẻ về Hải đội trưởng Lê Văn Hải, ông Trần Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế cho biết: “Thiếu tá Lê Văn Hải là người rất có trách nhiệm đối với công việc của địa phương. Trong đợt mưa lũ vừa qua, anh đã không quản vất vả cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị giúp nhân dân cứu kéo các tàu cá bị mắc cạn, bị sóng đánh dạt lên bờ, bảo vệ tài sản cho ngư dân. Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên Huế thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hai-doi-truong-luon-het-minh-vi-ngu-dan-post435740.html