Hải Dương: Đề xuất tăng vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm

Nhu cầu vay vốn tạo việc làm và chuyển đổi nghề của người lao động càng ngày càng cao, nhưng nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh Hải Dương hạn hẹp, vì vậy không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân...

Một gia đình tại huyện Thanh Miện vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm mạnh dạn đầu tư mô hình VAC (Ảnh minh họa: KT)

Một gia đình tại huyện Thanh Miện vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm mạnh dạn đầu tư mô hình VAC (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều năm qua, công tác giải quyết việc làm đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương rất quan tâm chỉ đạo sâu sát.

Một trong những chỉ tiêu đáng chú ý tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra là chỉ tiêu chuyển cơ cấu lao động đến năm 2020. Cụ thể là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 27%; công nghiệp, xây dựng: 42%; dịch vụ: 31%.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành: Chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020 ngày 06/01/2016; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15/01/2016 về tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; Quyết định số 1053/QĐ-UBNĐ ngày 03/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Bên cạnh đó, ngày 09/6/2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương và Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương đã có Quy trình phối hợp thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình: Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Qua triển khai thực hiện đã đạt được các mục tiêu theo kế hoạch.

Trong đó, đáng chú ý, chương trình vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay tạo việc làm làm chính sách ưu đãi của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập và đời sống của người lao động. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ lao động thát nghiệp, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc. Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu ngành nghề được đào tạo của lực lượng lao động chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Tình trạng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học dư thừa chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến sinh viên ra trường không thể tìm kiếm được việc làm, trong khi đó doanh nghiệp lại rất cần công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề.

Đáng chú ý, theo đánh giá, nhu cầu vay vốn tạo việc làm và chuyển đổi nghề của người lao động càng ngày càng cao, thế nhưng nguồn vốn cho Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của tỉnh hạn hẹp, vì vậy không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân...

Để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân, thời gian tới, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung thêm nguồn vốn cho Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của tỉnh theo Kế hoạch vốn vay đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng hàng năm.

Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Cục Việc làm báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư cho các hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, phát triển hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mở rộng công tác điều tra thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động hàng năm.

Hoàn thiện, nâng cấp phần mềm thông tin thị trường lao động để việc khai thác sử dụng có hiệu quả. Có thể phân cấp cho cấp huyện, cấp xã khai thác sử dụng thông tin thị trường lao động.../.

Trường Nhật

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/hai-duong-de-xuat-tang-von-cho-quy-quoc-gia-ve-viec-lam-503821.html