Hải Dương: Di tích quốc gia đình Thạch Lỗi xuống cấp

Được khởi dựng từ cuối thế kỷ 17, trải qua thời gian, đình Thạch Lỗi ở xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) hiện đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi đình giữ nhiều nét cổ

Nằm ở thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), di tích đình Thạch Lỗi được xây dựng từ thế kỷ 17 gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Đình căn bản vẫn giữ được những dấu ấn nghệ thuật cổ độc đáo, thể hiện ở không gian kiến trúc, điêu khắc cùng sự tích linh thiêng về nhị vị thành hoàng được nhân dân địa phương tôn thờ.

Đình Thạch Lỗi nhìn từ trên cao.

Đình Thạch Lỗi nhìn từ trên cao.

Đình thờ 2 vị thành hoàng làng có công với triều Tiền Lý là tướng Lý Bảo Quốc và vợ ông là bà Vũ Thị Hương. Lý Bảo Quốc là vị tướng lập được nhiều chiến công, sau này ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Khi chồng đi đánh giặc, bà Vũ Thị Hương động viên mọi người chăm lo sản xuất, đóng góp lương thực cho quân sĩ. Nghe tin chồng mất, bà gieo mình xuống ao tự vẫn. Cảm kích trước công lao của vợ chồng bà, nhà vua ban tước, phong thần cho tướng quân Lý Bảo Quốc là "Đô hộ đại vương", "Thượng đẳng phúc thần", phong bà Vũ Thị Hương là "Thái hậu khánh phu nhân". Biết ơn ông bà, dân làng tôn ông bà là thành hoàng, thờ ở đình làng.

Đình Thạch Lỗi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Là một ngôi đình lớn, được xây dựng theo kiểu tiền nhất hậu đinh. Năm 1996, đình Thạch Lỗi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Khu di tích này gồm có các hạng mục tam quan, sân đình, 7 gian tiền tế, 9 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Trong đó, hậu cung là nơi đặt bài vị nhị vị thành hoàng, và đại bái là nơi các bậc chức sắc, cao niên trong làng thường họp bàn nghị sự. Đình hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong từ thời Nguyễn, một tấm bia đá có tựa đề Hành tại đình Bi, khắc năm Chính Hòa thứ 10 (1689) cùng nhiều cổ vật có giá trị khác.

Qua một quá trình dài nghiên cứu, chắt lọc, người ta còn phát hiện từ ngôi đình này một kho tàng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam. Những mảng điêu khắc độc đáo, tinh tế của đình Thạch Lỗi mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Cần sớm được tu sửa

Tự hào về ngôi đình cổ, mang nhiều dấu ấn độc đáo, song chính quyền và nhân dân địa phương cũng có nhiều trăn trở về công tác bảo vệ di tích, bởi ngôi đình này đã có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng đã nhiều lần được tu sửa. Lần được tu sửa mới nhất là năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng phục hồi tàu góc đao, câu đầu, quá giang, bờ mái…

Ngôi đình cổ gắn với nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Ông Vũ Thạch Sứ (67 tuổi, Phó Ban khánh lễ đình Thạch Lỗi) cho biết, thời điểm hiện tại, đầu đao phía đông tòa tiền tế đã bị mục có nguy cơ sụp đổ. Mái ngói phía đông tòa tiền tế cũng bị xô, sụt, cả đầu đao và mái ngói đều phải gia cố bằng cột để chống đỡ. Mỗi lần mưa xuống, tòa tiền tế thường xuyên bị ngập, người trông coi phải dùng máy bơm nước ra ngoài để hạn chế hư hỏng. Đầu đao tòa đại đình phía tây bị gẫy cụt hàng chục năm nay cũng phải chống đỡ bằng cột. Một số cột cái, cột quân bị mục. Một số dui, hoành, xà, vì kèo gãy hở mộng. Phía đông tòa tiền tế là nơi người dân địa phương tập trung để xem hát tuồng, biểu diễn văn nghệ mỗi khi diễn ra lễ hội, vì vậy tình trạng xô, sụt, có thể sụp đổ ở đây không bảo đảm an toàn.

Nhiều hạng mục trong đình đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư tu bổ.

“Trưởng thành cùng những lần cùng bạn bè chơi cút bắt, ngày lễ hội háo hức chen chúc ở sân đình xem hát tuồng, đối với thế hệ chúng tôi ngôi đình làng đã trở thành một phần của quê hương và máu thịt mình. Nay thấy ngôi đình xuống cấp chúng tôi rất xót xa, chỉ mong mỏi các ngành chức năng sớm quan tâm, tu bổ giữ gìn ngôi đình, trân trọng lưu giữ cho hôm nay và muôn đời sau”, ông Sứ nói.

Theo ông Lê Quý Hậu, công chức Văn hóa xã Thạch Lỗi: “Đình Thạch Lỗi cũng là nơi hội họp mỗi dịp lễ, tết, nơi người dân trong làng về thành kính dâng hương khi đi xa về gần. Nét xưa còn đó, tiếp tục được người dân Thạch Lỗi trân trọng lưu giữ trường tồn cùng nét đẹp văn hóa để tạo ra tinh thần đoàn kết, vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc. Nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là mái đình sớm được các cấp có thẩm quyền, quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ, chỉnh trang, nhằm gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương và là điểm đến của nhân dân cũng như du khách thập phương”.

Đông Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hai-duong-di-tich-quoc-gia-dinh-thach-loi-xuong-cap-5713524.html