'Hải Dương không thể đợi Kim Thành hết dịch mới kết thúc giãn cách'

'Không thể chờ Kim Thành hay bất kỳ địa phương nào đến hạn cuối cùng. Hải Dương cần phải kết thúc giãn cách xã hội để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế', ông Lưu Văn Bản nói.

Từ 0h ngày 3/3, Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Tỉnh cũng gỡ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ với Zing rằng thời gian qua, dịch bệnh khiến doanh nghiệp đình trệ. Tâm lý, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Thiệt hại về mặt phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương vô cùng nặng nề, không thể đo đếm được.

Không thể chờ

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch Covid-19 ở Hải Dương lúc này? Việc xuất hiện thêm 10 ca mắc mới ở xã Kim Đính, huyện Kim Thành, có là điều đáng lo ngại khi 0h đêm nay, toàn tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh?

- Trong hơn một tháng qua, dịch Covid-19 ở Hải Dương đã lan rộng toàn tỉnh. Đặc biệt, những nơi như TP Chí Linh, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và Nam Sách có diễn biến dịch phức tạp hơn các địa phương khác.

Toàn hệ thống chính trị, các lực lượng cũng như nhân dân Hải Dương đã đồng lòng vào cuộc. Đến giờ, dịch đã được khoanh vùng, nhiều nơi dập tắt được và khống chế. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã chủ động.

Gần đây, yếu tố dịch bệnh xuất hiện ở xã Kim Đính của huyện Kim Thành với 10 ca mắc mới. Chúng tôi đã phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm để xác định có bao nhiêu mầm bệnh, qua đó phân loại các trường hợp để điều trị và cách ly tập trung hay cách ly tại nhà.

Tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc giãn cách xã hội từ 0h ngày 3/3. Ảnh: Thạch Thảo.

Nguồn lây đã được chúng tôi xác định từ ổ dịch Công ty POYUN của Chí Linh, lan đến Kinh Môn rồi đến Kim Thành. Như vậy, công tác phòng chống, dập dịch đã được chúng tôi chủ động từ trước.

Trong bối cảnh này, tỉnh Hải Dương không thể chờ Kim Thành hay bất kỳ địa phương nào hết dịch. Hải Dương cần phải kết thúc giãn cách xã hội cho một số địa phương như Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ thực hiện mục tiêu "kép" là vừa sản xuất kinh doanh gắn với phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng.

- Vậy trong trạng thái bình thường mới, tỉnh có phương án gì để giúp người dân cũng như doanh nghiệp phục hồi sản xuất?

- Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần hoạt động, mở rộng sản xuất, người lao động cần có việc làm, tạo nhu nhập để phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đã chỉ đạo và có kịch bản cho doanh nghiệp, khu dân cư, người lao động trong từng tình huống cụ thể.

Hải Dương cần phải kết thúc giãn cách xã hội cho một số địa phương như Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ thực hiện mục tiêu "kép" là vừa sản xuất kinh doanh, gắn với phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng

Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Ví dụ huyện Cẩm Giàng là địa bàn phức tạp về dịch trong thời gian qua, đến nay đã được khống chế. Tại đây có đến 5 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp với khoảng 5.000 người lao động.

Khi doanh nghiệp hoạt động, chúng tôi yêu cầu người lao động đến làm việc phải thực hiện nghiêm các quy định "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu địa phương quản lý thật tốt người lao động. Với người lao động, họ phải thực hiện tốt việc phòng dịch ở gia đình, khu dân cư, có cam kết và thực hiện trách nhiệm của mình.

E ngại với người Hải Dương là tất yếu

- Trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người Hải Dương phải di chuyển qua tỉnh, thành phố khác. Với tình hình này, một số địa phương có thể sẽ còn e ngại, Hải Dương đã có phương án gì?

- Khi kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh, tôi cho rằng việc e ngại của tỉnh, thành khác là tất yếu. Tuy nhiên, thời gian qua, Hải Dương đã cố gắng nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch dựa trên khoa học, y tế, xét nghiệm.

Tỉnh Hải Dương có văn bản quyết định chia các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thành 2 nhóm để vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Với những biện pháp cụ thể đó, chúng tôi mong tỉnh, thành giáp ranh chia sẻ, không phân biệt, kỳ thị với người Hải Dương.

Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội để thực hiện mục tiêu "kép". Ảnh: Thạch Thảo.

- Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là tỉnh có phương án gì cho sinh viên quê nhà được trở lại các tỉnh, thành phố học tập?

- Trước hết, đối với học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trong bối cảnh hiện nay, các trường ở Hải Dương vẫn chưa thể mở cửa để đón học sinh được.

Khi hết sạch mầm bệnh, các môi trường học tập đang là nơi tổ chức cách ly sẽ được khử khuẩn để đón học sinh trở lại sớm nhất có thể.

Đối với học sinh, sinh viên là con em quê Hải Dương đang theo học tại các tỉnh, thành phố khác, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tổ chức xét nghiệm nhằm tạo điều kiện cho các em quay trở lại trường.

Thiệt hại và bài học

- Nhìn lại 34 ngày đã qua, đợt dịch lần này đã khiến Hải Dương mất mát những gì và thu lại những bài học gì, thưa ông?

- Dịch lần này ập đến bằng chủng virus SARS-CoV-2 mới từ Anh với tốc độ siêu lây nhiễm, lại bùng phát từ một doanh nghiệp lớn ở Chí Linh.

Thời gian qua, dịch bệnh khiến doanh nghiệp đình trệ. Tâm lý, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Thiệt hại về mặt phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương vô cùng nặng nề, không thể đo đếm được

Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Thời điểm xảy ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, trong khi cán bộ chủ chốt của tỉnh đang đi dự Đại hội toàn quốc của Đảng. Vì những yếu tố bất lợi ban đầu, từ tỉnh đến huyện có sự bị động, lúng túng. Nhiều nơi gặp khó khăn vì chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi cũng không thể mang kinh nghiệm của địa phương khác như Đà Nẵng áp dụng vào một cách máy móc.

Thời gian qua, dịch bệnh khiến doanh nghiệp đình trệ. Tâm lý, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Thiệt hại về mặt phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương vô cùng nặng nề, không thể đo đếm được.

Đến nay, dịch từng bước được kiểm soát tốt. Từ đó, chúng tôi cũng đúng rút được một số điều.

Bài học lớn nhất là làm sao kêu gọi, huy động, phát huy sức mạnh tổng thể của nhân dân và chỉ cần người dân chung tay thì sẽ thành công. Muốn làm được điều đó, cán bộ phải gương mẫu và chỉ đạo đúng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tạo hệ thống thông suốt về liên kết, tạo sức mạnh đồng bộ để nhân dân thấy đúng và làm theo.

Thứ hai, chúng tôi phải tranh thủ thời gian và cố gắng làm tốt nhất theo sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là của Bộ Y tế.

Bộ trưởng, Thứ trưởng, đặc biệt tổ chuyên gia Bộ Y tế đã về Hải Dương những ngày đầu. Họ là điểm tựa, bệ đỡ, nguồn động viên, cổ vũ cho lực lượng phòng chống dịch của Hải Dương làm tốt công việc.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-duong-khong-the-doi-kim-thanh-het-dich-moi-ket-thuc-gian-cach-post1188871.html