Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Sáng 28/3, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024).

Ôn lại khái quát thân thế và sự nghiệp cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, trong diễn văn kỷ niệm, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, ông Nguyễn Lương Bằng sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Lớn lên chứng kiến cảnh quê hương, đất nước đắm chìm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, sự bóc lột nặng nề của chế độ phong kiến, ông Nguyễn Lương Bằng thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước; lại thêm thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình khi cả ông bà nội đều đã từng tham gia nghĩa quân phong trào Cần Vương, thường xuyên được bà và bố kể cho nghe chuyện về những tấm gương yêu nước trong đó có cả những người trong họ tham gia chống Pháp, bị chúng giết chết

Bối cảnh này đã được cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng viết trong hồi ký: “Tất cả đã khắc sâu vào tâm hồn tôi một tinh thần yêu nước, một chí khí dân tộc”.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Tuổi thơ nghèo khó, 13 tuổi cha mất ông đã phải thôi học để đi học nghề; 17 tuổi rời quê hương ra Hải Phòng tìm việc. Quyết tâm thực hiện hoài bão, năm 1925, ông xin làm bồi bếp trên một chiếc tàu thủy của Pháp chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc). Tại đây, ông đã được các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ và kết nạp. Được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng vô sản. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Lương Bằng: Từ chủ nghĩa yêu nước đi tới chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Năm 1926, ông Nguyễn Lương Bằng tình nguyện xin trở về nước xây dựng cơ sở cho Tổng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Cuối tháng 4/1927, ông Nguyễn Lương Bằng xin làm việc trên tàu Sông Bô của Pháp chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu (Trung Quốc). Cũng chính nhờ tuyến đường này, ông có điều kiện đưa báo Thanh Niên, tác phẩm Đường Kách Mệnh cùng một số tài liệu khác của Tổng bộ ở Quảng Châu về nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Tháng 10/1927, ông Nguyễn Lương Bằng bị cơ quan mật thám Pháp ở Hải Phòng phát hiện nên phải bí mật chuyển vào Sài Gòn hoạt động. Tháng 12/1928, ông trở lại Hải Phòng thiết lập một đường dây liên lạc quốc tế bằng đường biển Hải Phòng - Pari, thông qua các thủy thủ là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Giữa năm 1929, ông Nguyễn Lương Bằng được Tổng bộ Thanh niên điều động đi nhận công tác ở Trung Quốc. Tháng 10-1929, tại Quảng Châu, ông được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và được phân công đến Thượng Hải gây dựng cơ sở cách mạng.

Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Tháng 5/1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải bắt được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng. Chúng đã dùng cực hình tra tấn nhưng không khai thác được điều gì. Do vậy, chúng dẫn giải ông về Sài Gòn, giam một thời gian, rồi đưa ra Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò…

Trải qua ba lần bị thực dân đế quốc bắt tù, ông Nguyễn Lương Bằng luôn là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, nêu cao khí phách hiên ngang, bất khuất. Cuối năm 1943, ông được chi bộ Đảng nhà tù chỉ định vượt ngục, trở về tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông Nguyễn Lương Bằng là một trong năm người được bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, ông được cử là đại diện của Tổng bộ Việt Minh vào Huế nhận ấn tín của vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ông đã thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc lời kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ xây dựng nước Việt Nam mới.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được giao giữ chức Trưởng Ban Tài chính - Kinh tế Trung ương; Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ông đã có những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng nền Tài chính, Ngân hàng, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Từ năm 1952 - 1956, ông Nguyễn Lương Bằng được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô. Với cương vị của mình, ông đã góp phần to lớn vào việc mở rộng mối quan hệ Việt - Xô, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 1956, ông được giao trọng trách Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, đều thể hiện là người học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1969, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1976, đất nước thống nhất, ông được cử làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị là Phó Chủ tịch nước, ông là người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, góp phần tích cực xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Nhận xét về ông Nguyễn Lương Bằng, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam là ông Hoàng Quốc Việt từng viết: “Anh Cả là một con người hành động. Anh viết ít, nói ít nhưng làm nhiều. Bằng việc làm cụ thể, anh cuốn hút, giáo dục đồng chí mình làm theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cao đẹp, Anh Cả đã nêu một tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; cùng các đại biểu dự lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, sáng 28/3.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng khẳng định: “Thuộc lớp người chiến sĩ cách mạng đầu tiên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được nhiều người biết đến với bí danh Sao Đỏ, (thường gọi Anh Cả). Anh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước kiên trung bất khuất trước kẻ thù, một người cộng sản mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên, bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp, của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

“Lịch sử cách mạng của Đảng, dân tộc ta ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nhưng thật hiếm có và rất đặc biệt khi còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng hai tên gọi biểu tượng của đồng chí: Sao Đỏ - một biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản; Anh Cả - một biểu tượng của sự mẫu mực, sự sáng trong của tình đồng chí anh em”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm.

Cũng trong sáng nay, Lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã diễn ra long trọng, trang nghiêm tại Nhà tưởng niệm ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương).

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu Trung ương, đại biểu tỉnh Hải Dương dự lễ dâng hương.

Lâm Phùng

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hai-duong-ky-niem-120-nam-ngay-sinh-co-pho-chu-tich-nuoc-nguyen-luong-bang-post33115.html