Hải Dương phân bổ hơn 530 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho 6 dự án

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm các nhiệm vụ sát thực tế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 4) của UBND tỉnh

Chiều 24.10, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 4) của UBND tỉnh để xem xét, thảo luận một số nội dung, tờ trình do các Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải báo cáo.

Ưu tiên dự án công nghệ thông tin cấp thiết

Về tờ trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 và phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ trọng tâm CNTT năm 2022 của Sở TTTT, UBND tỉnh thống nhất nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện nhiệm vụ CNTT, ưu tiên cho các dự án cấp thiết, dự án chuyển nguồn và nhiệm vụ do các cơ quan Trung ương yêu cầu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TTTT phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ để duy trì ổn định các nền tảng ứng dụng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời phối hợp Văn phòng UBND tỉnh để tham mưu 2 dự thảo quyết định về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng dụng CNTT; phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ trọng tâm CNTT năm 2022. Sở TTTT cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm các nhiệm vụ CNTT sát thực tế, theo chỉ đạo của Trung ương và khả năng đáp ứng với nguồn tài chính.

Theo tờ trình do Sở TTTT báo cáo, nội dung được bổ sung gồm thanh toán tiền nhắn tin cho người mắc Covid-19; thuê máy chủ, dịch vụ vận hành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cấp, bổ sung ứng dụng cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp hệ thống lưu điện Trung tâm Dữ liệu tỉnh và mua sắm bản quyền thương mại; xây dựng hệ thống họp trực tuyến Sở Tài chính... Kinh phí bổ sung cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm CNTT năm 2022 là 60 tỷ đồng.

Bổ sung vốn cho 6 dự án

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Cao Thắng báo cáo tờ trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công nghệ thông tin năm 2022

Về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2022 từ nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh cơ bản nhất trí với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giao sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 3.233,5 tỷ đồng, được phân bổ theo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho 20 dự án thuộc 3 lĩnh vực giao thông, du lịch và nông nghiệp. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung 839 tỷ đồng cho 10 dự án theo tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân và được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 531,483 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2022. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn trên cho 6 dự án. Bao gồm 3 dự án chuyển tiếp: xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và quốc lộ 5 (TP Hải Dương); xử lý cấp bách các công trình đê điều; xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội-Hải Phòng (Kim Thành). 3 dự án mới gồm: xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối quốc lộ 37; đường vào khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (đều thuộc TP Chí Linh), xây dựng đường tránh đường tỉnh 391 (Tứ Kỳ).

Điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đường dẫn cầu Kênh Vàng

Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung điều chỉnh cục bộ hướng tuyến và kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn đường dẫn trên địa bàn tỉnh thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu nối 2 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND huyện Nam Sách tính toán chính xác khối lượng, giá trị giải phóng mặt bằng để tham mưu, đề xuất. Các cơ quan, đơn vị cần rút kinh nghiệm trong nghiên cứu tính khả thi dự án sát thực tế.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ cho ý kiến về việc chuyển nguồn các dự án

Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Sở Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đường dẫn cầu Kênh Vàng tại khu mộ thành hoàng làng La Đôi, khu mộ tổ họ Nguyễn và họ Hoàng ở xã Hợp Tiến. Các nội dung điều chỉnh phù hợp với quy hoạch vùng huyện Nam Sách đã được duyệt. Theo kế hoạch, tỉnh dự kiến bố trí 180 tỷ đồng thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật và bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, qua rà soát của UBND huyện Nam Sách, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư gần 520 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cũng cho ý kiến vào tờ trình quy định mức thu học phí và danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 2 Sở Tài chính, Giáo dục và Đào tạo cần rà soát các mức thu để có đề xuất điều chỉnh hợp lý. 2 đơn vị có thể tham khảo các tỉnh, thành phố lân cận, xây dựng mức thu phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục- đào tạo vừa tạo sự đồng thuận cao.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-thong---do-thi/hai-duong-phan-bo-hon-530-ty-dong-von-ngan-sach-trung-uong-cho-6-du-an-217460