Hải Dương xúc tiến tiêu thụ cà rốt

Chiều ngày 20/2, tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cà rốt vụ động năm 2018-2019.

Tại hội nghị, 10 doanh nghiệp chuyên chế biến, thu mua, xuất khẩu nông sản đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị và các hộ dân trồng cà rốt trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sơ chế, đóng gói củ cà rốt. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sơ chế, đóng gói củ cà rốt. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cà rốt của tỉnh Hải Dương là một trong những nông sản nổi tiếng trong cả nước. Hiện nay, diện tích cà rốt của Hải Dương là 1.500 ha, năng suất bình quân đạt 352 tạ/ha, tổng sản lượng 53.000 tấn/năm.
Cây cà rốt được người dân trồng tập trung chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng (550 ha), huyện Nam Sách (650 ha), thị xã Chí Linh (180 ha). Thời gian gieo trồng cà rốt đông xuân từ tháng 9, tháng 10 hàng năm và thu hoạch từ trung tuần tháng 1 đến hết tháng 4 năm sau.

Cà rốt hiện nay đã được trồng chuyên canh thành vùng hàng hóa tập trung và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cà rốt của Hải Dương được cấp giấy chứng nhận VietGap đều có chất lượng cao, đảm bảo sạch, an toàn, mẫu mã đẹp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cà rốt được các công ty, doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện Cẩm Giàng chủ yếu được thu mua vận chuyển về để sơ chế, bảo quản chế biến và đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, 50% sản lượng thu mua được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và các nước châu Âu.
Trong thời gian tới, để khâu tiêu thụ cà rốt được tốt, các đại biểu dự hội nghị đã chỉ rõ những tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế là số lượng doanh nghiệp và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn và xuất khẩu nên thu nhập của người trồng cà rốt còn thấp và chưa ổn định.

Chi phí sản xuất cao do công lao động cao, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn thấp và chưa đồng bộ, nhất là khâu thu hoạch hiện nay vẫn còn thủ công nên chất lượng chưa đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản xuất theo chuỗi gắn tiêu thụ còn yếu, chưa bền vững.

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ còn hạn chế về quy mô, số lượng và hình thức, cần xây dựng được kế hoạch dài hạn và mang tính thường xuyên.
Tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cà rốt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm cà rốt và nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, tỉnh Hải Dương tăng cường hỗ trợ, tìm kiếm thị trường và đối tác tiêu thụ, đưa nội dung xúc tiến thương mại sản phẩm cà rốt vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước./.

Tiến Vĩnh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hai-duong-xuc-tien-tieu-thu-ca-rot/113543.html