Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các đô thị ở Việt Nam (Kỳ 1)

Mỗi đô thị luôn hiện hữu trong lòng nó những câu chuyện ký ức. Vì thế diện mạo mỗi thành phố luôn khắc họa các nét riêng in đậm dấu ấn thời gian cùng hòa điệu với hình ảnh sinh động của hiện tại, dự báo dáng nét mới trong tương lai. Tuy nhiên càng gần đây, nhịp sống đương đại, nhu cầu phát triển đô thị do gia tăng dân số, và quá trình chuyển dịch công năng, đầu tư mới các dự án hạ tầng, sản xuất, du lịch, thương mại đã kéo theo nhiều vấn đề có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Nhiều sự việc xảy ra gần đây tại hầu hết đô thị ở Việt Nam cho thấy, việc xử lý hài hòa các mâu thuẫn, không tạo nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển đang là yêu cầu cấp bách cần được giải quyết kịp t

Mỗi đô thị luôn hiện hữu trong lòng nó những câu chuyện ký ức. Vì thế diện mạo mỗi thành phố luôn khắc họa các nét riêng in đậm dấu ấn thời gian cùng hòa điệu với hình ảnh sinh động của hiện tại, dự báo dáng nét mới trong tương lai. Tuy nhiên càng gần đây, nhịp sống đương đại, nhu cầu phát triển đô thị do gia tăng dân số, và quá trình chuyển dịch công năng, đầu tư mới các dự án hạ tầng, sản xuất, du lịch, thương mại đã kéo theo nhiều vấn đề có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Nhiều sự việc xảy ra gần đây tại hầu hết đô thị ở Việt Nam cho thấy, việc xử lý hài hòa các mâu thuẫn, không tạo nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển đang là yêu cầu cấp bách cần được giải quyết kịp t

Bài 1: Nguy cơ đô thị thiếu bản sắc

Như những biểu tượng sống động của lịch sử, mỗi thành phố là một phần, mảng không thể thiếu trong dòng chảy ký ức dân tộc. Dòng ký ức đó có quãng buồn, lúc vui, có vinh quang và khổ đau. Chính vì vậy, can thiệp vào đất đai, cảnh quan, kiến trúc, hiện vật của mỗi đô thị chính là can thiệp vào dấu tích biên niên sử đất nước.

Việt Nam có quá trình hình thành lâu đời, lịch sử trải qua nhiều biến động. Và cùng với quá trình đó, đô thị ở khắp mọi vùng miền cũng không ngừng hình thành, phát triển và khởi sắc. Bắt đầu từ phố chợ nơi bến sông, góc núi, từ thị trấn, thị tứ hình thành sơ khai rồi bung dần lên thành các đô thị. Văn minh “kinh kỳ”, “kẻ chợ” và tầng lớp thị dân hình thành, phát triển song hành cùng nông dân, nông thôn. Mỗi đô thị có điều kiện kiến tạo, loại hình, kết cấu, bố cục và phong cách kiến trúc theo địa hình, cảnh quan; có vai trò, chức năng khác nhau theo sự “phân công” của lịch sử. Điều đó đã mang tới cho diện mạo các đô thị Việt Nam những dấu ấn, vẻ đẹp đặc trưng. Chúng ta có một kinh đô nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và một cố đô Huế thâm nghiêm, cổ kính. Chúng ta có một TP Hồ Chí Minh hiện đại, năng động, tạo tiền đề để trở thành “cỗ máy động lực” của các tỉnh phía nam. Có thành phố cảng Hải Phòng năng động và một Đà Nẵng với thương hiệu “thành phố đáng sống”. Bên cạnh đó còn Hội An đa sắc, Đà Lạt với hệ thống kiến trúc châu Âu sang trọng giữa thiên nhiên như “Paris nhỏ”, Sa Pa huyền diệu trong mây và Cần Thơ in dáng nét của một thời cha ông “mở cõi”...

Mỗi đô thị với số phận của nó, là một phần của câu chuyện kể lại chặng đường gian lao, anh dũng mà dân tộc đi qua. Ký ức ấy được thể hiện bằng lòng tự hào đối với lịch sử, tình cảm biết ơn các thế hệ tiền nhân; là tình yêu mến hằng ngày của mỗi thành viên đối với nơi chốn của mình; là văn hóa ứng xử và tính cách thị dân đã được xây đắp và ổn định bền vững; là cảm hứng của khách vãng lai có dịp viếng thăm, trải nghiệm. Ký ức ấy cũng được kể sinh động bởi những di sản phi vật thể và di sản vật thể hiện hữu trực quan, những hình ảnh đã trở nên thân thuộc như máu thịt và ám ảnh bởi lớp lớp hoài niệm. Mỗi viên đá xưa, mỗi bờ thành cũ, mỗi dáng nét kiến trúc cổ nhân tạo tác, mỗi gốc cây cổ thụ hay chỉ là rặng cỏ lau già ven con sông lặng lẽ trôi qua phố đều ẩn chứa trong mình những ký ức, những dấu ấn của năm tháng đi qua. Mỗi đô thị tồn tại qua thời gian như một cơ thể sống, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu hành xử thiếu chuẩn mực, đụng chạm không đúng chỗ sẽ tạo nên những “cơn đau”, những “vết sẹo” khó lành, thậm chí là gây ra tật nguyền.

Không phải ngẫu nhiên mà mấy năm trước ở Huế, việc chỉnh trang bờ sông Ngự Hà, việc cấp phép dự án du lịch trên đồi Vọng Cảnh và gần đây là xây lại bờ kè dưới chân thành cổ lại bị nhiều người phản ứng. Đó là những việc làm bất chấp các quy định nghiêm ngặt trong hoạt động bảo tồn quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận là di sản thế giới tại Việt Nam. Người dân Đà Nẵng cũng lên tiếng gay gắt về công trình bến du thuyền đặt không đúng chỗ, làm che chắn tầm nhìn và phá vỡ quy hoạch trước thành Điện Hải, một di tích lịch sử quốc gia gắn với chiến công và xương máu của tướng sĩ Việt Nam chống giặc Pháp xâm lược khi kẻ thù nổ những phát đại bác đầu tiên lên đất nước ta. Các nhà chuyên môn và công luận cũng phản ứng về việc chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép cho một dự án địa ốc lấn chiếm dòng chảy sông Hàn, một dòng sông như mặt gương soi những thăng trầm biến vi của đô thị bên bờ sóng Biển Đông. Ông Nguyễn Sự, nguyên là một cán bộ lãnh đạo tâm huyết với Hội An đã nghẹn lời xin lỗi về việc trong thời gian tại vị đã cho triển khai nhiều dự án du lịch tại bờ biển Cửa Đại làm phá vỡ sự cân bằng sinh thái của đô thị cổ và ông cũng lo ngại khi người ta xây dựng sân khấu thực cảnh với cột bê-tông cắm dày đặc lên dòng sông Thu Bồn. Một Sa Pa mềm mại, một Tam Đảo nhỏ bé giữa thiên nhiên thơ mộng và những kiến trúc hậu thuộc địa xinh xắn đã bị nhồi thêm nêm chặt vào những dự án khách sạn cao tầng tạo nên những khối bê-tông trập trùng khô cứng làm rừng mất, đất đai khó thở. Người ta xây cầu xuyên qua quần thể di sản văn hóa hỗn hợp Tràng An đã được UNESCO công nhận, xâm phạm di tích cố đô Hoa Lư. Một bãi biển Nha Trang với vòng cung uyển chuyển và hệ thống đền tháp Chăm Pa vô giá đã bị những tòa cao ốc lấn át hết không gian. Mượn chuyện trùng tu, người ta phá chùa Sổ giữa Thủ đô Hà Nội và đình cổ làng Hương Canh ở tỉnh Vĩnh Phúc; họ còn sơn phết vô lối lên kiến trúc và tô vẽ mầu mè làm hỏng những bức tượng Phật hàng trăm năm tuổi. Chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Hương (Hà Nội). Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đậm dấu ấn người Việt thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu từ 3.500 năm trước đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại khi dự án mở đường khu đô thị mới đi qua. Ở Đà Lạt, suốt hai năm qua, các cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh những công trình xây dựng trái phép xâm hại nghiêm trọng thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm. Điều đáng nói là các công trình có quy mô lớn ấy nằm trong thành phố và chỉ cách trụ sở Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm chừng vài trăm mét. Nguyên nhân của sự việc là gì, nếu không phải vì chia sẻ lợi ích thì là do thiếu trách nhiệm, kỷ cương trong quản lý? Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà chuyên môn, cộng đồng cư dân TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng phản đối khi thương xá Tax bị phá để thay thế bằng những trung tâm thương mại phức hợp hiện đại. Một số liệu mới đây cho biết, hơn một nửa trong số 1.300 ngôi biệt thự cổ ở TP Hồ Chí Minh đã biến mất trong thời gian qua và thay vào đó là vô số những công trình nhà cao tầng...

Câu chuyện nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển đô thị lại nóng lên, tạo một cơn bão dư luận gần đây, sau việc tỉnh Lâm Đồng công bố đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”. Theo đó, trung tâm Hòa Bình, đối tượng tác động của đồ án này, vốn vẫn được mệnh danh là “trái tim phố núi”. Đó là một khu vực gắn với dấu ấn cư dân người Việt từ hơn 100 năm qua trong một đô thị có số phận lịch sử đặc biệt, vì thế, nó vô cùng nhạy cảm nếu nhìn từ góc độ quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn và phát triển. Dư luận ủng hộ những đột phá quy hoạch, chỉnh trang và tìm mỹ cảm mới, nhất là khu trung tâm để khai phóng tầm nhìn chật chội, giải quyết phần nào áp lực dân số cũng như nhu cầu phát triển của một thành phố du lịch. Nhưng cộng đồng và các nhà chuyên môn phản ứng với sự nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển, khi tại đồ án này có ba công trình cũ sẽ trở thành đối tượng bị tác động: dinh Tỉnh trưởng (xây năm 1910), rạp 3-4 (dựng tạm năm 1929, xây mới năm 1937) và chợ mới Đà Lạt (khởi công năm 1958). Trong đó, công trình rạp 3-4 hoàn toàn bị dỡ bỏ, di dời dinh Tỉnh trưởng, và chợ Đà Lạt sẽ được chỉnh trang. Cho đến thời điểm này, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ vì chưa tìm được tiếng nói chung ngõ hầu giải quyết các mâu thuẫn giữa “giữ” và “phá”. Điều đáng nói là với sự việc, trong khi giới kiến trúc phản ứng dữ dội, thì các cơ quan quản lý văn hóa, nghiên cứu lịch sử chưa thấy cất lời. Nhìn từ góc độ quy hoạch, chuyện đang xảy ra tại Đà Lạt nếu giải quyết thấu đáo, sẽ là một kinh nghiệm quý cho các địa phương khác tham khảo khi tiến hành bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang. Mặt khác, nếu xử lý không đến nơi đến chốn sẽ trở thành một tiền lệ xấu, bởi chính quyền triển khai thực thi một quyết định quan trọng nhưng chưa đạt được sự đồng thuận...

Trong lúc chúng ta đang lúng túng trong xử lý vấn đề bảo tồn và phát triển làm sao cho hài hòa thì một tai nạn gần đây từ một quốc gia khác đã đánh thức cảm xúc, suy nghĩ của rất nhiều người. Khi ngọn lửa bùng lên thiêu cháy hoàn toàn tháp chuông và mái nhà thờ Đức Bà Paris (Pa-ri), tâm hồn người dân Pháp như bị thiêu đốt. Trước sự mất mát không thể lấy lại, người ta nhận ra, Notre-Dame de Paris không chỉ là một tòa thánh đường, đó là một phần ký ức của nước Pháp. Vượt ra khỏi các hàng rào ngôn ngữ, đó còn là một biểu tượng tuyệt vời trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Ám ảnh với những trang văn viết từ 188 năm trước của đại văn hào V.Hugo (V.Huy-gô), cả thế giới thảng thốt xót xa khi nhìn ngọn lửa cướp đi vĩnh viễn nơi chốn mà người kéo chuông tật nguyền Quasimodo (Qua-di-mô-đô) đã cứu người con gái Di-gan Esméralda (E-xmê-ran-đa) bằng một tình yêu cao thượng, vĩnh cửu...

Kiến trúc không chỉ là kiến trúc. Đó là lịch sử, là ký ức, là hồn vía, là những giá trị nhân văn bất hủ đã được trao truyền dù phải vượt qua bao thăng trầm, biến đổi. Trong mỗi đô thị hình thành lâu đời thì những góc phố, con đường, hàng cây cổ thụ, những công trình, cảnh quan, những đền đài, miếu mạo chính là các biểu tượng cất lên tiếng nói của quá khứ. Tiếng nói ấy thẳm sâu giá trị và chuyển tải những thông điệp thiêng liêng đến các thế hệ hậu nhân. Những thành phố càng “trôi dạt” qua nhiều giai đoạn thăng trầm thì thông điệp gửi tới mai sau càng giàu ý nghĩa. Nếu phai mờ bản sắc và xóa dấu ký ức thì nơi chốn ấy không khác gì “đô thị đánh mất trí nhớ”...

(Còn nữa)

UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/40183102-hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien-cac-do-thi-o-viet-nam.html