Hài hòa giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững

Nuôi thủy sản trên sông cần phải phát huy được nguồn lợi kinh tế nhưng phải bảo đảm hài hòa môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh sau chuyến khảo sát tình hình thực hiện công tác sắp xếp các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên sông vào ngày 21/3.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) cùng các thành viên trong Đoàn giám sát tham quan một hộ nuôi thủy sản trên sông Dinh.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) cùng các thành viên trong Đoàn giám sát tham quan một hộ nuôi thủy sản trên sông Dinh.

ĐÃ TRẬT TỰ HƠN

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh tại chuyến khảo sát, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thực hiện Quyết định 39/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 và hệ tọa độ VN 2000 các khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, từ tháng 1/2019, Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương sắp xếp lại lồng bè theo hướng cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi. Cụ thể, số lượng lồng tại mỗi bè sau khi cắt giảm còn tối đa là 10 lồng nuôi, tương đương khoảng 400m2. Cũng theo quyết định này, trên địa bàn tỉnh có 3 khu vực được nuôi thủy sản lồng bè gồm: Sông Chà Và, Sông Dinh và sông Mỏ Nhát với 125ha diện tích mặt nước (trước đây chỉ quy hoạch hơn 75ha). Sở NN-PTNT và các địa phương phối hợp cắm mốc (bằng phao định dạng) để khoanh vùng quy hoạch mặt nước, di dời các cơ sở vào khu vực này. Hiện nay có 31 phao chính và 58 phao tạm đã được lắp đặt trên tất cả các khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè. Đồng thời, kiểm tra và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi có thời hạn cho 196/203 cơ sở nằm trong các địa điểm quy hoạch (đạt tỷ lệ 96,55%). Cụ thể, trên địa bàn TP. Bà Rịa đã cấp giấy xác nhận đăng ký cho 12/12 cơ sở; TX. Phú Mỹ đã cấp giấy xác nhận đăng ký cho 36 cơ sở và nhiều nhất là TP. Vũng Tàu có 148 cơ sở được cấp giấy.

Ghi nhận qua buổi khảo sát cũng cho thấy, các lồng bè cơ bản đã được sắp xếp vào vùng quy hoạch, hoạt động trật tự hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân lấn chiếm luồng lạch, chưa có ý thức bảo vệ vùng nuôi. “Các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền chủ trương sắp xếp lại các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên sông vào vùng quy hoạch và thông báo lộ trình di dời cho các hộ dân còn lại. Dự kiến đến tháng 6/2020, việc sắp xếp lại các lồng bè nuôi thủy sản trên sông sẽ hoàn thành”, ông Cường nói.

Đoàn khảo sát tham quan một hộ nuôi thủy sản trên sông Dinh.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài các giải pháp về sắp xếp, vị trí đặt lồng bè, khoảng cách, Sở NN-PTNT và các địa phương còn tuyên truyền cho các hộ trong vùng quy hoạch không được sử dụng các phương pháp nuôi gây ô nhiễm môi trường như: sử dụng lốp xe, fibro xi măng. Đồng thời trong khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Trong đó, vai trò của các cơ sở nuôi là hạt nhân, điều phối, thống nhất các hoạt động quản lý về môi trường, dịch bệnh, mùa vụ nuôi, con giống, thức ăn, thông tin thị trường, giá cả sản phẩm nuôi trong vùng quy hoạch.

Chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư khoa học công nghệ vào nuôi thủy sản với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Công Biên (tiểu khu 3, sông Chà Và) cho biết, năm 2019, ông được Chi cục Nuôi trồng thủy sản và TP. Vũng Tàu sắp xếp vào vùng quy hoạch, cấp giấy chứng nhận nuôi các loại thủy sản như cá chim, cá bớp, cá mú, tôm hùm và hàu. Hiện nay hơn 10.000m2 diện tích mặt nước được ông đầu tư làm mái che giảm nhiệt, gắn máy cho cá ăn tự động vào lồng bè… Ngoài ra, Trường Đại học BR-VT hỗ trợ lắp đặt máy quan trắc tự động nguồn nước. Hệ thống này có chức năng đo các thông số của môi trường nước như độ mặn, nồng độ clo, nồng độ oxy, nhiệt độ nước biển… Nếu những chỉ số này tăng cao hoặc xuống dưới ngưỡng sẽ báo trực tiếp vào điện thoại của ông. “Nhờ đó, tôi thường xuyên nắm được các thông số kỹ thuật nguồn nước nuôi để xử lý kịp thời khi có biến động. Tôi yên tâm hơn trong sản xuất, hiệu quả nuôi trồng cũng tăng lên. Tôi rất ủng hộ chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh vì nó không chỉ mang lại lợi ích cho người nuôi mà còn hướng tới sự phát triển kinh tế thủy sản trên sông lâu dài của tỉnh”, ông Biên nói.

Nhắc nhở việc tuân thủ quy định sắp xếp lồng nuôi theo quy hoạch của tỉnh cho các hộ nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các hộ nuôi tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi thủy sản để bảo đảm năng suất và bảo vệ môi trường. Với các hộ nuôi có quy mô lớn, cần phải xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh và thực hiện thu gom rác… Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, chuyến khảo sát giúp tỉnh có thêm nhiều thông tin về tình hình sắp xếp lại các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên sông vào vùng quy hoạch. Từ đó, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương, cơ quan chức năng để nhanh chóng tổ chức quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, vừa ưu tiên phát triển kinh tế vừa bảo đảm hệ sinh thái và vệ sinh môi trường, an toàn đường thủy.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202003/hai-hoa-giua-loi-ich-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung-895006/