Hài hòa học - chơi cho trẻ

GD&TĐ - “Hè này cho con học gì?” trở thành mối bận tâm “đến hẹn lại lên” của các bậc làm cha mẹ. Từ học phụ đạo củng cố kiến thức, tới học trước chương trình hay học các môn năng khiếu… môn nào cũng được cho là cần thiết nên lịch học của các bé kín mít.

Đừng biến hè thành “học kỳ 3”

Nhiều phụ huynh lo sợ nghỉ hè nhiều trẻ chơi nhiều thành quen, sợ con quên bài vở, không theo kịp bạn bè khi vào năm học… hoặc cũng có nhiều phụ huynh cho các em học hè để tiện thể nhờ thầy cô giữ hộ. Do đó, vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè nhiều phụ huynh đã lên lịch cho con em mình học hè.

Anh Lê Văn Đạt có con học lớp 8 Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết: “Bố mẹ thì bận đi làm suốt ngày, để trong nhà thì các con hết tivi lại game online vừa hại mắt, vừa có nguy cơ nghiện game. Hơn nữa cậu con trai nhà mình năm vừa rồi chỉ đạt học sinh khá thôi nên nghỉ hè này cả hai vợ chồng quyết định đăng ký cho cháu học các môn cơ bản như: Toán, Anh văn, vi tính. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho bé học một vài môn năng khiếu ở nhà văn hóa thiếu nhi quận như: Học vẽ, làm toán thông minh… hy vọng sẽ cải thiện kết quả học tập của con”.

Cùng tâm trạng với anh Đạt, chị Lê Thị Hạnh có con năm nay học lớp 9 Trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) cho biết: “Năm trước, ngoài việc học ở trường, tôi cho cháu đi học thêm các môn Văn, Toán, Anh văn, Hóa học ở trường và trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ngoài ra, buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Toán, Tiếng Anh của trường cũng như kỳ thi giải toán qua mạng Internet. Vì vậy, vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho cháu đi học thêm các môn trên nhằm chuẩn bị cho cháu đủ lực để thi vào trường phổ thông chuyên của thành phố”.

Cân bằng giữa “học” và “chơi”

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng “mùa hè là lúc trẻ phải củng cố lại kiến thức, xem trước chương trình học của năm tới” nên bắt con đi học hết chỗ này, chỗ kia. Đây là điều hoàn toàn sai lầm. Việc ép con học nếu trẻ không thích sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng khác như ghét học, ghét bố mẹ, tâm lý không ổn định, tự kỷ… Vì vậy, trong thời gian nghỉ hè, trẻ vẫn cần được bố trí thời gian học tập, nhưng cũng phải được vui chơi, sinh hoạt điều độ. Có thể cho trẻ đi học hè nhưng chỉ nên cho học hai buổi một tuần. Học hè chỉ nên dừng lại ở việc ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học.

Thời điểm này phụ huynh nên tạo điều kiện cho con hướng đến các hoạt động như đọc sách, tham gia các môn thể thao, năng khiếu bắt nguồn từ sở thích của con. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để tạo cho trẻ những ký ức đẹp của tuổi thơ như cho con về quê để cảm nhận về tình cảm, thiên nhiên, đời sống… hay trẻ được đến những nơi có điều kiện sống tốt sẽ giúp các em có khát vọng hướng tới.

Phụ huynh có thể tự thiết kế một kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú cho con như tổ chức chuyến đi nghỉ hè cho cả gia đình, đưa con đến thăm quan những địa danh, danh thắng, viện bảo tàng… Khi cho trẻ tham quan các địa danh, danh thắng lịch sử hay các viện bảo tàng, sở thú… phụ huynh nên hướng dẫn trẻ ghi chép thành sổ nhật ký và chia sẻ các thông tin thu thập được với bạn bè, người thân để giúp trẻ hiểu thêm được các kiến thức văn hóa, lịch sử, thiên nhiên đồng thời tăng cường các kỹ năng ghi nhớ, chia sẻ. Hãy cho trẻ nghỉ hè và trải qua tuổi thơ đúng với ý nghĩa.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, nên có sự cân bằng giữa học và chơi cho trẻ trong giai đoạn nghỉ hè. Nếu dành phần lớn thời gian cho trẻ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí trong dịp hè sẽ dẫn đến việc hao hụt kiến thức, thậm chí các tác phong, thói quen tốt như tính kỷ luật, sự chăm chỉ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu phần lớn thời gian nghỉ hè của trẻ dành cho việc học hành thì sẽ dẫn đến việc mất cân bằng giữa “học” và “chơi”, trẻ không được hưởng kỳ nghỉ hè theo đúng nghĩa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/hai-hoa-hoc-choi-cho-tre-3365404-b.html