Hai học sinh sáng tạo phần mềm giúp trẻ khuyết tật não

Đó là hai em Nguyễn Duy Phước Hải (Trường THPT thị xã Quảng Trị) và Thân Đoàn Thuận (Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP Hồ Chí Minh), với phần mềm sáng tạo 'Moove - Trò chơi kích thích vận động, phát triển tư duy ở trẻ khuyết tật não', đã được đánh giá có tính thực tế và lọt vào vòng chung khảo cuộc thi 'Tri thức trẻ vì giáo dục' 2019, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.

Điều thú vị ai cũng nhận ra, Hải và Thuận ở xa nhau đến hơn cả nghìn cây số, nhưng các em đã nghiên cứu chung một đề tài và chứng minh được sự sáng tạo không có biên giới, chỉ cần có đam mê, cùng chí hướng! Hải kể rằng, năm 2018, em tham gia cuộc thi “Thực hiện ước mơ” tại TP Hồ Chí Minh.

Hai em Hải và Thuận (từ trái sang phải) nhận bằng khen về sáng tạo khoa học.

Hai em Hải và Thuận (từ trái sang phải) nhận bằng khen về sáng tạo khoa học.

Hôm ấy, Thuận cũng có mặt trong hội trường để cổ vũ cho một bạn dự thi khác. Sau buổi thi đó, các em quen nhau rồi kết nối qua facebook. Khi nhận ra, cả hai đều có điểm chung đam mê nghiên cứu khoa học nên quyết định cùng nhau thực hiện dự án nghiên cứu.

Sau hơn 4 tháng miệt mài nghiên cứu, phần mềm Moove được Hải và Thuận viết hoàn chỉnh. Theo đó, hai bạn sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để phân tích mẫu người đứng trước camera. Nhân vật sẽ phải nhảy theo giai điệu bài hát và cử chỉ trên màn hình nhằm kích thích phát triển các tế bào mới ở não.

Hải nói: “Thật ra, đã có nhiều đề tài khoa học các trường đại học ở châu Âu chứng minh rằng, việc mình chuyển động tay chân sẽ giúp phát triển não bộ, nhất là vùng hồi hải mã (hippocampus) ở não. Ở các trẻ khuyết tật về trí tuệ thì vùng hồi hải mã chậm phát triển. Thiên hướng điều khiển cử chỉ, kết hợp vận động thay vì phải click chuột nhấn trên màn hình như các trò chơi hiện tại là cách tốt để giúp thúc đẩy sự phát triển vật chất trong cơ thể trẻ em khuyết tật, nhất là ở độ tuổi 5-10 tuổi. Việc tham gia nhảy múa cùng Moove vừa giúp giải trí, vừa tạo đòn bẩy cho trẻ được vận động trong một môi trường được giám sát và an toàn”.

Hải cho biết thêm, hiện tại, em cùng Thuận đang tiếp tục phát triển đề tài theo hướng tiến tới đa nền tảng di động: Android, iOS và Chrome OS để đa dạng hóa người dùng và nhân rộng phạm vi áp dụng.

Đồng thời sẽ thiết lập chương trình “Tôi cùng Moove thay đổi” trên Facebook và Youtube nhằm truyền cảm hứng và tạo nguồn động lực cho các bạn khuyết tật trong độ tuổi từ 5-10; phát hành phiên bản “Mã nguồn mở cơ bản” cho các bạn trẻ được sáng tạo và phát hành thành nhiều biến bản đề tài cho trẻ khuyết tật ở Việt Nam…

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, đánh giá cao về công trình nghiên cứu của các em Hải và Thuận và cho rằng, ưu điểm lớn nhất của đề tài là sự sáng tạo công cụ dạy và học giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao khả năng tiếp thu cho các trẻ em khuyết tật. Nó mở rộng cơ hội trong tương lai cho các em khuyết tật, giúp các em được học một cách bình đẳng.

“Moove xác định đối tượng sử dụng là trẻ em khuyết tật ở độ tuổi từ 5-10 tuổi ở các trường đặc biệt và ở các trường công lập cũng có thể sử dụng. Bởi Moove hoàn toàn miễn phí, dễ dàng cài đặt và có thể chạy trên tất cả laptop chạy Windows 7 trở lên chiếm 90% lượng sử dụng ở Việt Nam”, bà Hương nói.

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/hai-hoc-sinh-sang-tao-phan-mem-giup-tre-khuyet-tat-nao-572283/