Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời corona: Thấp hơn mục tiêu đề ra

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dưới ảnh hưởng của dịch corona, cả hai kịch bản này đều có mức tăng trưởng thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, về kịch bản tăng trưởng kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, trong đó nòng cốt là Tổng cục Thống kê, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm…Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tùy theo các cấp độ cập nhật sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng có những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.

Dịch corona ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Dịch corona ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Trước những diễn biến phức tạp của virus corona, theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng.

Kịch bản 1, nếu dịch được kiểm soát trong quý I/2019 thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01.

Kịch bản 2, nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II/2019, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%, thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01.

"Tất nhiên đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tùy thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi", Thứ trưởng Phương cho hay.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nếu theo kịch bản 1, chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 tăng 3,96% so năm 2019 và theo kịch bản thứ 2 tăng 4,86%.

Bộ KH&ĐT cũng khẳng định, dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu giảm. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Về thương mại và du lịch, Bộ cho biết, trong quý I/2020, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm hai con số so với cùng kỳ năm trước.

Theo cả hai kịch bản nói trên, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm từ 13 đến 16% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/2 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với các kịch bản này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng.

"Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm…", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-tu/hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-thoi-corona-muc-tang-truong-deu-thap-ar526313.html