Hai lần giết người, thoát tội nhờ bệnh án tâm thần

Sau khi giết người, Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) được kết luận bị tâm thần.

Bà Lan - mẹ nạn nhân từng bị Lộc sát hại - nhiều lần gửi hồ sơ chứng minh Lộc hoàn toàn tỉnh táo.

Điều này được hiểu bản thân Lộc là người “hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, cần sự giám sát đặc biệt từ phía người thân. Thế nhưng trong biên bản lời khai tại công an sau khi nổ súng giết người, Lộc rành rọt: “Bản thân hoàn toàn tỉnh táo, khả năng nhận thức rõ ràng đủ điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành làm việc”.

Vụ án này có thêm nhiều tình tiết bất thường cần được làm rõ, nhất là trong thời gian được cho là đi chữa bệnh tâm thần, Lộc lại được chứng nhận sức khỏe đảm bảo để học và lấy được bằng lái xe B2?

Tỉnh táo giết người?

Bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Kha - nhiều lần gửi đơn cầu cứu tới Báo Lao Động về việc, tối 20.1.2016, Nguyễn Xuân Lộc điều khiển ôtô chở nhóm bạn đến ăn tối tại một quán phở tại TP.Buôn Ma Thuột. Tại đây Lộc gây sự với con bà Lan rồi cùng đồng phạm rút súng bắn con bà tử vong.

Bà Lan cung cấp các hồ sơ chứng minh việc Lộc gây án trong trạng thái tỉnh táo, không bị bệnh lý. Cụ thể, tại biên bản hỏi cung (ngày 23.5.2016 - PV) sau khi Lộc cùng đồng bọn nổ súng giết hại anh Nguyễn Văn Kha, Lộc khai: Bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo, khả năng nhận thức rõ ràng, đủ điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành làm việc.

Lộc cũng khai lộc điều khiển ôtô chở nhóm bạn đi ăn khuya. Tại đây, Lộc mâu thuẫn với anh Nguyễn Văn Kha rồi rút súng K59 bắn vào người nạn nhân…

“Nay tôi đã nhớ lại hoàn toàn sự việc và tự nguyện khai báo với cơ quan công an để mong hưởng khoan hồng của pháp luật về tội mình gây ra” - trích biên bản hỏi cung giữa Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk và đối tượng Lộc vào ngày 23.5.2016.

Trái ngược với các khai báo rõ ràng, mạch lạc tại cơ quan công an của Lộc, tại Kết luận của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên 3 tháng sau lại nêu rõ: Qua quá trình thăm khám và giám định nội trú từ ngày 5.7.2016 - 2.8.2016… Lộc có các triệu chứng như cảm xúc không ổn định, hời hợt nông cạn, lúc vui vẻ thái quá… Từ đó đơn vị kết luận: Lộc trong lúc gây án hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên kết luận: Nguyễn Xuân Lộc bị hạn chế khả năng nhận thức và điều kiện hành vi.

Hàng loạt nghi vấn chưa được làm rõ

Theo tài liệu có được, cuối năm 2011, Lộc là chủ mưu giết một mạng người ở TP.Buôn Ma Thuột. Ít tháng sau khi ra tay giết người, Lộc có giấy chứng nhận pháp y tâm thần (số 09/PYTT-PVPN) do Viện Giám định Pháp y tâm thần của T.Ư phân viện phía Nam thực hiện và yêu cầu bắt buộc phải đi chữa bệnh. Bà Lan cho rằng, năm 2012 nếu cơ quan chức năng và người nhà bắt buộc đưa Lộc đi chữa bệnh thì đối tượng đã không có cơ hội nổ súng giết con trai bà.

“Dù bị kết luận tâm thần năm 2012, nhưng đến đầu năm 2014, Lộc lại được chứng nhận sức khỏe đảm bảo để học và có bằng lái xe B2 tại Đắk Nông. Một năm sau, Lộc xuống TPHCM mua súng K59 để phòng vệ rồi sau đó bắn chết con trai tôi. N

hững điều tôi kể đều thể hiện qua cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk và cơ quan công an. Thật sự, việc Lộc có bằng lái xe, mua súng, điều khiển ôtô… trước khi giết người chỉ có thể là hành vi của một người bình thường” - bà Lan bức xúc.

Liên quan đến vụ việc, theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Giám định y khoa Đắk Nông: Bệnh tâm thần có nhiều thể, trong đó có thể hoang tưởng, cần có nhiều lần khám lâm sàng để đánh giá. Theo vị này, nếu bị tâm thần, cần có đầy đủ bằng chứng như bảng tóm tắt điều trị nội trú, phải do giám đốc bệnh viện xác nhận vào; luôn được người nhà theo dõi và chăm sóc đặc biệt…

Đối với việc quản lý người tâm thần, đại diện Trung tâm Giám định y khoa Đắk Nông cho rằng, người bị rối loạn về hành vi khi đi ra ngoài xã hội bắt buộc phải có một người đi kèm giám sát để tránh những hành vi đáng tiếc xảy ra. Phóng viên Báo Lao Động từng nêu về việc Nguyễn Xuân Lộc được các trung tâm giám định xác nhận bị tâm thần.

Tuy nhiên, vào năm 2014, Lộc lại “khỏe mạnh” và đủ điều kiện nộp hồ sơ để học, thực hành, rồi thi đậu được cấp bằng lái xe B2. Đại diện Trung tâm Giám định y khoa Đắk Nông khẳng định: “Người bị tâm thần không đủ điều tham dự học, thi bằng lái xe B2”.

Hữu Long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/hai-lan-giet-nguoi-thoat-toi-nho-benh-an-tam-than-633374.ldo