Hải Lăng triển khai chính sách bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra

Dịch tả lợn Châu Phi diễn ra trên địa bàn tỉnh đến nay đã hơn 9 tháng vẫn chưa chấm dứt, gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2019. Nhằm nhanh chóng bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra và có nguồn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, tạo thu nhập cho người dân, huyện Hải Lăng đã ban hành chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp bù đắp giá trị thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND huyện Hải Lăng. Đến nay, chính sách này đã bước đầu mang lại hiệu quả tốt, góp phần ổn định sản xuất và đời sống trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi gia cầm tại xã Hải Thiện, Hải Lăng

Gia đình chị Đặng Thị Hạnh ở Thôn 4 là 1 trong 9 hộ của xã Hải Thiện được huyện Hải Lăng hỗ trợ con giống để chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm. Trước đây, chị Hạnh thuê 2,5 ha đất của xã để chăn nuôi lợn kết hợp trồng lúa, sen. Tháng 7/2019, gia trại của chị Hạnh xảy ra dịch tả lợn Châu Phi với 6 con lợn nái và 40 con lợn thịt bị nhiễm bệnh phải đưa đi tiêu hủy. Không được tái đàn khi trên địa bàn Thôn 4 vẫn đang còn diễn ra dịch, để ổn định đời sống gia đình, tháng 8/2019 chị Hạnh chuyển sang chăn nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học và thức ăn tự phối trộn. Mỗi lứa chị Hạnh nuôi 400 con gà, 700 con vịt và ngan.

Để khuyến khích chị Hạnh mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đến khảo sát và hỗ trợ 2,5 triệu đồng mua giống gia cầm và thức ăn chăn nuôi. Mặc dù số tiền được hỗ trợ không nhiều nhưng có tác dụng động viên kịp thời để chị Hạnh đầu tư mở rộng quy mô đàn gia cầm. Tại gia trại của chị Hạnh, những đàn gia cầm theo từng lứa tuổi, gối nhau để tháng nào chị cũng có vịt, ngan, gà xuất bán. Đến nay, chị Hạnh đã xuất bán được 2 lứa vịt và ngan được 120 triệu đồng, lãi hơn 30 triệu đồng. Còn gà thì cũng đủ trọng lượng xuất chuồng nhưng chị để dành đến cuối năm bán cho được giá.

Chị Hạnh cho biết: “Nhờ sự chỉ đạo và hỗ trợ khuyến khích của huyện, xã nên gia đình tôi đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi. Tôi thực hiện chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, có đệm lót sinh học xử lí mùi hôi, hầm biogas lấy gas nấu thức ăn cho gia cầm. Tôi thực hiện tiêm phòng dịch đầy đủ cho gia cầm. Hiện đàn gia cầm phát triển tốt, tháng nào tôi cũng có gia cầm bán, có thu nhập đảm bảo đời sống gia đình”.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ phát triển gia cầm và trồng trọt vụ đông nhằm tạo giá trị bù thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi mà huyện Hải Lăng áp dụng theo Nghị quyết 14 của HĐND huyện gồm có 5 cây, con như: Ngô, khoai lang HNV1, nấm trồng, gà và vịt. Trên cơ sở số lượng các hộ gia đình đăng kí và sản xuất trước ngày 31/12/2019, huyện tiến hành khảo sát và hỗ trợ theo quy định với các mức: Phát triển ngô trồng mới, sử dụng giống HN68, đạt quy mô liền vùng, liền khoảnh từ 1 ha trở lên/vùng, hỗ trợ 20 kg/ha hạt giống ngô (tương đương 3,2 triệu đồng/ ha) theo phân bổ chính sách hỗ trợ của huyện 50 ha; hỗ trợ trồng mới khoai lang HNV1 đạt quy mô liền vùng, liền khoảnh từ 0,5 ha/vùng với định mức 50.000 hom/ ha (tương đương 15 triệu đồng/ha); hỗ trợ mô hình trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu đạt quy mô 10 m2 trở lên với định mức 50.000 đồng/m2 nhưng không quá 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ mô hình nuôi mới gà,vịt đạt quy mô 200 con trở lên mỗi loại/hộ hoặc hộ đã nuôi gà có số lượng tăng thêm 200 con trở lên với định mức 5.000 đồng/con giống nhưng tổng mức hỗ trợ một mô hình không quá 2,5 triệu đồng.

Các hộ tham gia phải thực hiện đảm bảo quy trình kĩ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tổ chức sản xuất có tính bền vững, không gây ô nhiễm, không tác động xấu đến môi trường. Các mô hình trồng trọt phải được tiến hành trên diện tích không bị ngập úng, chủ động tưới tiêu. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện hướng dẫn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, đồng thời tăng cường công tác quản lí cây, con giống, thuốc thú y, vật tư phân bón, thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Các mô hình thực hiện theo chính sách hỗ trợ của huyện đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn huyện đã khảo sát hỗ trợ 112 mô hình đạt quy mô theo quy định, trong đó chăn nuôi gia cầm 106 mô hình với hơn 45.000 con và 6 mô hình trồng nấm. Sản lượng thịt hơi gia cầm được tạo ra từ các mô hình hỗ trợ theo Nghị quyết 14 của HĐND huyện đến nay đạt khoảng 70 tấn. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm cho biết: “Chính sách này của huyện đã kịp thời khuyến khích nông dân mở rộng chuyển hướng sản xuất sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi. Nhiều hộ chăn nuôi đến nay đã tạo ra được sản lượng gia cầm lớn, tạo nguồn thu nhập đáng kể giúp ổn định đời sống”.

Ngoài các mô hình được huyện hỗ trợ, đối với các mô hình chăn nuôi gà, vịt kết hợp dưới 200 con thì các xã, thị trấn cũng có chính sách hỗ trợ nhờ tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nguồn đóng góp của doanh nghiệp và quỹ phát triển sản xuất của HTX… Nhờ đó, phong trào chuyển đổi chăn nuôi tạm thời tại các địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng đã phát triển tốt, giải quyết được vấn đề thiếu hụt giá trị sản xuất do dịch tả lợn Châu Phi gây ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 của huyện và góp phần ổn định đời sống của người dân.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144135