Hai lão nông giúp phanh phui 2.745 hồ sơ thương binh giả

Ngày 9.5, ông Lưu Hồng Sơn – Phó chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ đã hoàn thành hồ sơ gửi các đơn vị có liên quan xin ý kiến đề nghị khen thưởng cho 2 nông dân ở Bắc Ninh vì thành tích giúp cơ quan chức năng phát hiện 2.745 hồ sơ giả mạo, khai man để hưởng chế độ người có công, thu hồi hơn 150 tỷ đồng...

Mặc dù đã đến tuổi 80, nhưng hai lão nông Nguyễn Công Uẩn (thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái) và Nguyễn Tiến Lãng (thôn Tam Á, xã Gia Đông) cùng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn miệt mài đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách... ở địa phương.

Hai người đều sinh năm Đinh Sửu (1937), được nhân dân yêu mến, tôn vinh là hai “mãnh hổ” chống tiêu cực.

Điều tra liên huyện

Mặc dù một bên mắt đã không còn sáng nữa, thỉnh thoảng bị những cơn bệnh tuổi già hành hạ, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc tới chuyện chống tham nhũng, cụ Nguyễn Công Uẩn vẫn nhanh nhẹn và thể hiện sự “bùng nổ” khác thường.

Trước khi nói về những việc mình làm, cụ Uẩn lấy cho tôi xem 1 bọc có đến hàng trăm những tờ biên lai, thư gửi đảm bảo... Đây là những lá đơn, thư mà cụ đã viết để gửi tới các cơ quan chức năng, trong suốt gần hai chục năm qua.

Cụ Nguyễn Công Uẩn và những bằng chứng, tài liệu tố cáo tiêu cực mà cụ tự tay thu thậptrong nhiêu năm. (Ảnh: G.T)

Cụ Uẩn chia sẻ: Nói thật với các anh, tôi có bao nhiêu tiền, hay con cháu biếu tôi được đồng nào, đều chi vào đống biên lai này hết. Nếu tổng hợp lại, có đến vài kg giấy biên lai gửi thư đảm bảo, số tiền tôi tự bỏ ra cũng đến con số hàng chục triệu đồng. Nhưng tiền không phải là tất cả, vì với nhận thức của một công dân, tôi thấy tham nhũng, tiêu cực, của lãnh đạo thôn xã, huyện tại địa phương là một vấn nạn, kéo lùi sự phát triển của cộng đồng và dân tộc ta, nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm đứng lên tố cáo những sai trái, tiêu cực ở địa phương.

"Đã hàng chục lần tố cáo, chưa bao giờ tôi tố cáo sai hay vu khống cho bất cứ ai bao giờ. Ngay tại xã tôi, do tôi viết đơn tố cáo mà có 3 cán bộ thôn, xã bị phạt án tù vì tham nhũng, nhiều người bị kỷ luật... Nhà nước và nhân dân thu về hàng tỷ đồng và nhiều tài sản đáng giá khác từ những vụ việc được phanh phui đó”, cụ Uẩn khẳng định với PV Dân Việt.

Nói về vụ việc lật tẩy đường dây “chạy” thương binh giả có sự tham gia của nhiều cán bộ nhà nước và hàng ngìn người đã được hưởng chế độ trót lọt, cụ Uẩn nhớ lại:

Năm 2003, tôi thấy ở trong vùng rộ lên tình trạng “chạy” chế độ thương binh. Nhiều người không tham gia bộ đội, chẳng chiến đấu ngày nào nhưng chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đồng là được lĩnh chế độ thương binh. Như vậy thì loạn quá. Và thế là tôi bắt đầu bỏ tâm sức lần theo những mối làm hồ sơ thương binh giả và phát hiện tất cả bắt nguồn từ xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Xã Phượng Mao cách nhà cụ Uẩn khoảng 30km. Vấn đề là làm thế nào để cụ Uẩn có thể thâm nhập được vào đường dây này?

Do là người nuôi chim bồ câu, thường đi tham dự hội thi chim nên cụ Uẩn quen biết với một số bạn chơi chim ở Quế Võ. Vậy là cứ vài ba ngày, cụ lại đạp xe từ nhà mình qua phà Hồ vượt sông Đuống, sang Phượng Mao thăm hỏi bạn chơi chim, nhưng thực ra là đi thu thập bằng chứng về việc làm hồ sơ thương binh giả.

Nhờ cách gợi chuyện gần gũi, chân tình của cụ, người dân trong vùng dần tin tưởng và mạnh dạn tố cáo nhiều trường hợp làm hồ sơ thương binh giả. Nhưng với tính cẩn thận, cụ Uẩn phải hỏi, xác minh từ nhiều nguồn tin khác nhau, sau đó mới đưa vào dạng nghi vấn.

Cụ Uẩn và chiếc xe đạp đi điều tra chống tiêu cực gần 20 năm qua.

Rồi cụ Uẩn thâm nhập vào quy trình khám sức khỏe, đánh giá thương tật và cấp giấy chứng thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, sau đó tìm từng danh sách những thương binh giả đã được lĩnh tiền chính sách.

Cụ tỉ mẩn đánh dấu, rồi lập danh sách thương binh giả ở từng xã, từng huyện, từng hoàn cảnh riêng biệt. Như vậy trong suốt 3 năm liên tục, Từ năm 2003 đến đầu năm 2006, cụ Uẩn bắt đầu kết hợp với người bạn cũng hăng hái nhiệt tình trong việc đấu tranh chống tiêu cực là cụNguyễn Tiến Lãng để viết đơn tố cáo gửi lên Bộ LĐTBXH...

Còn cụ Nguyễn Tiến Lãng sở dĩ trở thành một “điều tra viên” bất đắc dĩ là vì quá bức xúc với tình trạng tiêu cực. Cụ Lãng cho hay: Tôi là bộ đội chiến đấu ở đường Trường Sơn từ năm 1959 và bị thương, do điều động của đơn vị nên lúc ra viện chưa kịp lấy giấy chứng thương. Khi đi kê khai làm chính sách, cứ đưa lên cơ quan chức năng là bị gạt đi... Có người gợi ý là cứ đưa 30 triệu đồng là sẽ được hưởng chế độ thương binh.

Cụ Lãng kể tiếp: Thực tế ở xã tôi, có người bị máy tuốt lúa nghiến tay cũng “chạy” được thương binh; có người đi đánh bạc, bị vây bắt và ngã gãy chân cũng được thương binh... Những người đó các ngày 27.7 không dám đi họp mặt, ngày lĩnh tiền trợ cấp phải bảo vợ con đi vì ngượng.

"Tôi thì nghĩ mình bị thương trong chiến đấu, được làm thương binh thì vinh dự, nhưng không thể để các thương binh giả ngày ngày ngồi ăn tiền của Nhà nước được, nên tôi đã viết đơn gửi Bộ LĐTBXH tố cáo”, cụ Lãng bức xúc.

Vợ chồng cụ Lãng đoàn tụ sau nhiều năm gián đoạn vì chống tiêu cực.

Sau đơn tố cáo của 2 cụ, 3 bộ Công an, Quốc phòng và LĐTBXH đã vào cuộc điều tra, kết quả xác minh được 2.745 trường hợp lập hồ sơ thương binh giả ở Bắc Ninh có sự tiếp tay của nhiều cán bộ nhà nước.

Đắng cay đời người chống tiêu cực

Ngồi trò chuyện với tôi, cụ Uẩn ứa nước mắt nói về những đắng cay mà mình phải gánh chịu, như việc con yêu cầu bố chọn mẹ con hay chọn việc chống tiêu cực, bị vợ con bắt đốt tài liệu điều tra... Nhưng trước sau cụ vẫn kiên tâm với việc chống tiêu cực của mình.

Đó là chuyện trong nhà, còn chuyện cụ Uẩn bị những người cụ đã tố cáo mà phải đi tù hay kỷ luật, dọa đánh, dọa giết là chuyện như “cơm bữa”. “Nhưng tôi nghĩ lý trước, tình sau và đã leo lên lưng hổ rồi không còn đường lùi hay đường xuống nữa, nên không bao giờ chùn bước” - cụ Uẩn nói.

Còn cụ Lãng cũng khổ sở không kém chỉ vì quyết tâm chống tham nhũng. Nhiều lần bị đối tượng trong làng chặn đánh, bị người ta kéo đến nhà chửi bới 4 bận. Nhiều lần vợ cụ phải khóa cửa không cho chồng ra ngoài vì sợ bị hành hung. Còn ban đêm, nhà cụ Lãng thường xuyên bị ném phân, chất thải... Những đối tượng bị cụ tố cáo còn chặt phá 100 cây bưởi, 100 cây đu đủ... gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Vì tinh thần chống tiêu cực và sợ bị liên lụy tới người thân, mà 9 năm trời cụ Lãng phải ăn riêng - một hình thức nhằm chứng minh cụ không còn liên hệ với vợ - để có thể yên tâm một mình hành động đảm bảo an toàn cho người thân.

“Tôi là người lính, đến địch còn bị tôi tiêu diệt, nữa là mấy kẻ tiêu cực, tham nhũng. Chúng không bao giờ làm tôi sợ”, cụ Lãng nói như đinh đóng cột.

Ông Lưu Hồng Sơn – Phó chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH cho biết, sau khi 2 cụ Uẩn và Lãng tố cáo vụ việc, một số đối tượng có liên quan đã có những đe dọa hai cụ. Bộ LĐTBXH đã có văn bản gửi địa phương đề nghị có những biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, căn cứ những quy định về đề xuất khen thưởng, Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi tỉnh Bắc Ninh, Cục Phòng chống tham nhũng, Ban Thi đua khen thưởng T.Ư xin ý kiến để có khen thưởng xứng đáng với thành tích của 2 cụ.

Minh Nguyệt

Gia Tưởng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/hai-lao-nong-giup-phanh-phui-2745-ho-so-thuong-binh-gia-768575.html