Hai loại thức uống giúp 'hóa giải' cơn đầy bụng, khó tiêu và những lưu ý khi dùng

Ngày lễ Tết, với nhiều thực phẩm giàu năng lượng, chiên rán, ít vận động… khiến chúng ta dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Một số thức uống có thể 'cứu nguy' tình trạng này…

1. Trà bạc hà

Trà bạc hà rất giàu flavonoid, một hợp chất thực vật mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như axit rosmarinic, eriocitrin, luteolin và hesperidin. Các chất này đóng vai trò là chất chống oxy hóa mạnh, cũng như có hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus và chống dị ứng.

Tinh dầu được giải phóng khi bạn ngâm lá bạc hà trong nước nóng, mang lại hương vị sảng khoái và lợi ích sức khỏe tiềm ẩn.

Bạc hà đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phương thuốc chữa các vấn đề về tiêu hóa như: Buồn nôn, đầy hơi và chướng bụng. Không có nghiên cứu cụ thể về lá trà bạc hà, nhưng các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu bạc hà giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, thư giãn hệ tiêu hóa, giúp giảm chuột rút và giảm đau bụng kinh.

Trà bạc hà giúp giảm đầy bụng.

Trà bạc hà giúp giảm đầy bụng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi thêm trà bạc hà vào chế độ ăn uống của bạn, hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có các tình trạng sau:

- Ợ nóng:Bạc hà có thể giúp tiêu hóa và giảm đau dạ dày nhưng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit. Nếu bạn bị khó tiêu do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nên tránh dùng loại trà này.

- Tương tác thuốc:Bạc hà có thể tương tác với một số loại thuốc. Do đó, không nên dùng chung với cyclosporine, một loại thuốc dùng cho bệnh nhân cấy ghép nội tạng. Bên cạnh đó, bạc hà cũng có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chuyển hóa ở gan hoặc thuốc làm giảm axit dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, bạc hà cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và huyết áp. Vì vậy, không nên dùng cho những người đang dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề về huyết áp.

-Sỏi thận:Bạc hà có thể giúp tăng cường chức năng thận, nhưng không nên dùng cho những người bị sỏi thận.

-Người mang thai: Nghiên cứu chưa tìm thấy tác hại nào từ việc phụ nữ mang thai uống trà bạc hà. Tuy nhiên, điều này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi uống đồ uống thảo dược khi đang mang thai.

2. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc.

Hoa cúc là một loài hoa nhỏ, màu trắng thuộc họ cúc có chứa các loại dầu dễ bay hơi, terpenoid và flavonoid có lợi. Đây là một trong những loại thảo mộc lâu đời nhất được sử dụng trong y học cổ truyền. Sự phổ biến của nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và nhiều người uống trà hoa cúc hằng ngày. Mặc dù có rất nhiều công dụng nhưng hoa cúc được dùng nhiều nhất cho chứng lo âu, dễ ngủ và tiêu hóa.

Lợi ích của trà hoa cúc với tiêu hóa:

Tăng cường hấp thu dưỡng chất
Làm giảm đầy hơi và khí
Làm dịu chứng viêm
Làm dịu cơn co thắt dạ dày
Giảm lo lắng
Thúc đẩy giấc ngủ

Chỉ cần cho một chút hoa cúc khô hãm với nước nóng rồi uống có thể giúp giảm chứng đầy bụng.

Lưu ý, những người dùng thuốc làm loãng máu như warfarin, heparin hoặc clopidogrel nên tránh uống trà hoa cúc. Trong trường hợp, chứng đầy hơi kéo dài hàng tuần, bạn nên đi khám, vì có thể báo hiệu một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyên.

Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-loai-thuc-uong-giup-hoa-giai-con-day-bung-kho-tieu-va-nhung-luu-y-khi-dung-169230116185912148.htm