Hai mặt trận của những chiến sĩ áo vàng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, CSGT cả nước quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là vừa kéo giảm tai nạn giao thông, vừa tham gia chống dịch hiệu quả.

7 tháng đầu năm là quãng thời gian chưa từng có tiền lệ của CSGT toàn quốc. Dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng này căng mình thực hiện 2 nhiệm vụ lớn.

Trao đổi với Zing nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT, nêu nhiều thách thức khi dịch bệnh quay lại đúng thời điểm cả nước liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, những chiến sĩ áo vàng tin rằng sẽ hoàn thành mục tiêu chống dịch hiệu quả và kéo giảm tai nạn.

- Khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 đối diện với nhiều thách thức, tại các chốt chặn, khu vực cách ly, người dân đều thấy bóng dáng CSGT. Nhiệm vụ của các anh từ đầu năm đến nay có gì khác biệt?

- Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ của cả đất nước. Với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là coi chống dịch như chống giặc, lực lượng CSGT đã bám sát vào tư tưởng này, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công tác.

Cục đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát trên các tuyển trọng điểm, tập trung vào nhóm phương tiện vận tải hành khách, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép và vận động người dân nâng cao ý thức phòng dịch.

Đối với cán bộ khi làm nhiệm vụ, chúng tôi chỉ đạo tuân thủ đúng theo yêu cầu của Bộ Công an và khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế. Chiến sĩ phải đeo khẩu trang, găng tay, đảm bảo khoảng cách. Khi kiểm tra nồng độ cồn chỉ sử dụng ổng thổi dùng 1 lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định.

 CSGT sát cánh cùng lực lượng y tế trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: H.Q.

CSGT sát cánh cùng lực lượng y tế trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: H.Q.

Ngoài ra, kể từ khi có những ca mắc Covid-19 đầu tiên, tùy theo tình hình địa phương, CSGT phối hợp với các ngành y tế, quân đội và lực lượng công an khác kiểm soát tại chốt chặn. Chúng tôi cũng tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly, tặng khẩu trang cho người tham gia giao thông, hỗ trợ mua bán, vận tải nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa.

Để có thể vừa đảm bảo TTATGT, vừa căng mình chống dịch, anh em gần như phải hy sinh những nhu cầu cá nhân để có mặt thường trực 24/24h tại các điểm nóng. Khi làm nhiệm vụ tại đó đồng nghĩa với việc cán bộ, chiến sĩ phải xa nhà, tuân thủ cách ly đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.

- Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trực tiếp tham gia xử lý và đề ra các giải pháp giảm thiểu tai nạn, Cục CSGT có chịu áp lực từ tình trạng trên?

- Trong 7 tháng đầu năm 2020, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 104 người, bị thương 58 người. Trong đó, 8 vụ nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện không đi đúng phần đường, làn đường; 5 vụ khác do vi phạm nồng độ cồn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT.

Mỗi khi xảy ra tai nạn, yêu cầu đặt ra đối với CSGT có thể nói là rất nặng nề. Là lực lượng đầu tiên phát hiện và tiếp cận hiện trường, anh em chiến sĩ đều chung cảm xúc đau xót và trăn trở.

Bên cạnh việc phối hợp cùng công an các địa phương cứu giúp người bị nạn, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, áp lực lớn nhất với Cục CSGT là phải đánh giá, phân thích để tìm ra những nguyên nhân gốc, nhanh chóng đề ra các biện pháp kiểm soát hành vi dẫn đến các vụ việc tương tự.

Từ những vụ tai nạn đã xảy ra từ đầu năm 2020 tới nay, chúng tôi thống kê nhóm xe kinh doanh vận tải đã gây ra hơn 36% số vụ, làm hơn 42% số người chết và trên 50% số vụ tai nạn do xe tải gây ra có trên 1 người chết. Đây là những con số biết nói, là những con số cần phải tập trung.

Tuy nhiên, khi đề ra được nguyên nhân và giải pháp, việc thi hành cũng là cả một quá trình khó khăn.

Tôi lấy ví dụ trong thời gian gần đây, khi chiến sĩ trên tuyến thực hiện kiểm soát xe kinh doanh vận tải, anh em nhiều khi cũng gặp phản ứng rằng kiểm tra nhiều như vậy ảnh hưởng tới việc phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Nhưng tôi xin nhấn mạnh lại, việc kiểm tra ở đây mục tiêu cao nhất luôn là đảm bảo an toàn cho người trên xe, cho chính doanh nghiệp.

Chúng ta không thể chấp nhận được việc một lái xe vận tải hành khách mà lại sử dụng ma túy, rượu bia, sử dụng điện thoại, gây nguy cơ lớn đối với hàng chục sinh mạng đang ở trên phương tiện đó.

Từ nay đến cuối năm, chúng tôi đánh giá tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng. CSGT sẽ tăng cường việc ra quân, kiểm soát nhưng một mặt chúng tôi vẫn bố trí lực lượng tham gia chống dịch. Cả 2 mặt trận đều rất khốc liệt, chỉ cần một bên lơ là, hậu quả sẽ khó lường.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, sự quyết tâm của anh em chiến sĩ, tôi tin rằng lực lượng CSGT toàn quốc sẽ hoàn thành được mục tiêu kép là vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa kiểm soát, hạn chế TNGT.

- Mức xử phạt tăng nặng theo Nghị định 100 được người dân quan tâm. Sau hơn 7 tháng áp dụng các quy định mới, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả và sự tác động của nghị định này đối với đời sống xã hội?

- Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ 1/1 và Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã tạo luồng gió mới trong việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nói chung.

Với mức xử phạt tăng cao đối với một số hành vi và nhóm hành vi nguy cơ cao dẫn tới tai nạn, quy định mới đã góp phần hạn chế tình trạng tài xế sử dụng nồng độ cồn, ma túy. Một tài xế điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn giờ đây có thể bị phạt 40 triệu đồng, tước bằng lái 24 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Chế tài mạnh đã giúp người tham gia giao thông nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen xấu.

Nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn được CSGT triển khai thời gian qua. Ảnh: H.Q.

Sau đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả nước bước vào thời kỳ giãn cách xã hội, việc kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng chức năng đã gặp những khó khăn.

Khi trở lại trạng thái bình thường mới, tình hình vi phạm TTATGT tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân tỏ ra chủ quan, nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia đã xảy ra trên toàn quốc. Trước tình hình đó, Cục CSGT đã ban hành hàng loạt kế hoạch cao điểm, tăng cường kiểm soát, trong đó có việc tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ.

Sau 7 tháng áp dụng Nghị định 100, ý thức người dân bước đầu đã có những thay đổi, TNGT trên cả nước đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Đáng chú ý, số vụ liên quan đến rượu, bia giảm sâu. Các tài xế đã dần hình thành được thói quen "đã uống rượu bia - không lái xe”.

Quán nhậu vắng khách, còn người đến ăn uống không còn tự đi xe đến quán là minh chứng rõ nhất cho việc Nghị định 100 đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

- Hiện nay, nhắc đến lực lượng áo vàng, nhiều người luôn lo ngại việc bị xử phạt hành chính. Để xây dựng hình ảnh chiến sĩ CSGT văn minh, thân thiện trong mắt người dân, Cục CSGT đã có những giải pháp gì?

- Đặc thù của CSGT là bám đường, bám tuyến, bám địa bàn, đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn từ môi trường, thời tiết như nắng nóng, mưa bão đến khói bụi, tiếng ồn.

Áp lực công việc, thời gian khiến cho những thứ tưởng như là mặc định với nhiều người như những bữa cơm sum họp gia đình, hay đơn giản là vài phút bên những người thân cũng trở nên khó khăn với anh em chiến sĩ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ chính là cái nhìn thiếu thiện cảm của một bộ phận người tham gia giao thông, thậm chí là tình trạng chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ. Thực tế, nhiều cán bộ chiến sĩ đã đổ máu ngay trong thời bình.

5 năm qua đã xảy ra 175 vụ chống đối làm 55 cán bộ, chiến sĩ bị thương tật và 5 đồng chí hy sinh. Trong 6 tháng đầu năm, 9 CSGT bị thương do các hành vi chống đối.

Cục CSGT sẽ tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ về văn hóa giao tiếp. Ảnh: H.Q.

Để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ thân thiện, gần gũi với nhân dân, tránh việc người dân cứ nhìn thấy chiến sĩ là sợ xử phạt, Cục CSGT sẽ tăng cường hơn nữa việc tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ về văn hóa giao tiếp, ứng xử; kỹ năng giải quyết tình huống có xung đột.

Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa. Mục tiêu cao nhất là cống hiến hết mình vì sự an toàn của người tham gia giao thông.

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông là một mục tiêu lớn của Bộ Công an. Cục CSGT đã làm gì để việc này phát huy hết hiệu quả?

- Thời gian qua, CSGT toàn quốc đã được trang bị các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại như máy đo tốc độ có ghi hình, hệ thống camera giám sát…

Ngoài ra, từ hệ thống camera được lắp đặt trên một số tuyến cao tốc, quốc lộ thể hiện rõ ràng, chính xác các lỗi vi phạm, việc xử phạt đã thể hiện được tính công khai, minh bạch, tránh tiêu cực. Việc này cũng giảm bớt áp lực cho lực lượng CSGT có mặt trên đường, chủ động có các phương án ngăn chặn, xử lý các tình huống phát sinh.

Hàng trăm camera được lắp trên các tuyến cao tốc, quốc lộ để xử lý vi phạm. Ảnh: H.Q.

Từ cuối tháng 6, Cục CSGT đã lắp đặt hàng trăm camera trên tuyến Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các thiết bị này có thể hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng.

Khi một phương tiện vi phạm bị camera phát hiện, dữ liệu sẽ được truyền ngay tới trạm thu phí gần nhất. Khi xe này tới trạm, lập tức đèn thu phí sẽ báo lỗi. Từ đây CSGT với dữ liệu vi phạm chi tiết sẽ ra mời tài xế vào làm việc.

Đến nay, CSGT đã thực hiện xử phạt hành chính vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến 1/7, CSGT toàn quốc đã cung cấp trên 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến, trong đó hơn 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt.

Hồng Quang
Ảnh: Tùng Đoàn - Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-mat-tran-cua-nhung-chien-si-ao-vang-post1121097.html