Hai năm mất mát của người trẻ trong đại dịch

Phải bỏ lỡ nhiều điều lẽ ra được trải nghiệm vì đại dịch, không ít người trẻ cảm thấy hụng hẫng, theo chia sẻ của nhà văn Natalie Tan trên Channel News Asia.

Tuổi 20 không được xem là đại diện cho sự trì trệ hay cô đơn. Độ tuổi này đồng nghĩa với những niềm vui, nỗi đau trưởng thành và cả sự phát triển, khám phá bản thân.

Tuy nhiên trong hơn 2 năm nay, vì Covid-19, chúng ta buộc phải ở nhà nhiều hơn là ra ngoài. Mỗi khi được đi đâu đó, chúng ta phải ghi nhớ xem đã tiếp xúc với ai.

Khi thế giới dần bước vào giai đoạn kiểm soát được tình hình, biến chủng Omicron lại xuất hiện, đe dọa tạo ra làn sóng dịch mới. Nhiều sinh viên trở lại trường học, hy vọng vào những kế hoạch ứng phó sẽ đem lại hiệu quả.

Tôi không thể không nghĩ rằng những năm tháng thanh xuân quý giá của mình đang bị lãng phí. Những người trẻ như tôi cũng đang bắt đầu cảm thấy mất mát về những gì chúng tôi lẽ ra đã có thể có được.

Gặp khó khăn ở trường học, công việc, hẹn hò

Bước sang độ tuổi 20 là một khoảng thời gian đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. Không còn phải đối diện những quy tắc nghiêm khắc của trường cấp 3 hay ánh mắt dõi theo từng cử động của cha mẹ.

Khoảng thời gian đại học được xem là lúc để kết bạn, yêu đương, phạm sai lầm nhưng Covid-19 đã đặt dấu chấm hết cho những kế hoạch này, đặc biệt là lấy đi điều quan trọng: sự tương tác trực tiếp.

Cứ như vậy, chúng tôi không thể tạo dựng tình bạn với bạn cùng lớp, cùng phòng qua những lần ăn uống, nhậu nhẹt sau kỳ thi hay ngẫu hứng rủ nhau đi ăn lẩu vào nửa đêm.

 Đại dịch khiến người trẻ gặp khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ, đặc biệt là không thể gặp mặt người khác trực tiếp. Ảnh: Istock.

Đại dịch khiến người trẻ gặp khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ, đặc biệt là không thể gặp mặt người khác trực tiếp. Ảnh: Istock.

Với những người ra trường vào năm ngoái, thật buồn khi các buổi lễ tốt nghiệp không thể tổ chức trực tiếp. Cảm giác như chúng tôi đã chạy đua, giành được giải thưởng nhưng không thể bước lên bục nhận huy chương và ôm gia đình, bạn bè.

Cũng thật khó để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp từ những tiết học qua Zoom trong nền kinh tế khó khăn này hoặc nếu có cũng buộc phải làm quen môi trường mới trong sự cô đơn.

Một cuộc khảo sát của trang Today cho thấy 55% thanh niên Singapore độ tuổi 18-35 cảm thấy triển vọng tài chính của mình bị sụt giảm do tác động của Covid-19.

Bên cạnh đó, việc tìm được một nửa phù hợp cũng không hề dễ dàng khi đại dịch khiến mọi người khó ra ngoài gặp gỡ, làm quen người mới. Một cuộc khảo sát của LunchActised cho thấy 95% người được hỏi quan tâm đến một mối quan hệ lâu dài nhưng 45% trong số này chưa thể có một buổi hẹn hò trực tiếp.

Duy trì các mối quan hệ

Dù có thể liên lạc với mọi người qua các ứng dụng gọi video, mạng xã hội, cuối cùng, chúng ta vẫn bị giới hạn trong 4 bức tường ở nhà.

Cuộc khảo sát của Today vào năm 2021 cho thấy nhiều người thuộc thế hệ Millennials trở nên sợ hãi hơn (58%) và ít hòa đồng hơn (54%). Hai trạng thái tinh thần được ghi nhận phổ biến nhất trong 3 tháng qua là "căng thẳng" và "lo lắng".

Thay vì những buổi gặp gỡ trực tiếp, mọi người giờ đây chỉ có thể thấy nhau qua màn hình điện thoại, máy tính. Ảnh: Istock.

Tôi biết nhiều người trẻ phải đương đầu với các cảm xúc cá nhân một mình và tình trạng này có thể trở nên rất nghiêm trọng. Tự tử vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người 10-29 tuổi và tỷ lệ này đã tăng 30,4% từ năm 2019 đến năm 2020.

Đã qua rồi cái thời mà chúng ta có thể ra ngoài uống cà phê vào giờ giải lao, nghỉ trưa cùng nhau và tán gẫu về bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời. Giờ, với không gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hòa làm một, thời gian chúng ta làm việc, học tập nhiều hơn bao giờ hết.

Bỏ lỡ cơ hội tự lập

Đối với nhiều người trong độ tuổi 20, sống với cha mẹ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải lúc nào không gian trong nhà cũng thuận tiện cho cả công việc và nghỉ ngơi.

Khi cả gia đình đều tập trung ở nhà, cùng làm việc, học tập, chia sẻ không gian có hạn, có rất nhiều điều bất tiện sẽ xảy ra.

Một người bạn của tôi than thở rằng vì mọi thành viên trong gia đình đều ở nhà, bận rộn với công việc, các kỳ thi, họ giao cho cô ấy xử lý việc nhà và nấu ăn, cho rằng cô có thể giải quyết mọi thứ vì có lịch học đại học linh hoạt.

Chuyển cấp học, dọn ra riêng là cơ hội học cách sống tự lập đối với nhiều người trẻ song hiện phải gác lại vì đại dịch. Ảnh: Sixth Tone.

Một người bạn khác chia sẻ rằng cô phải chuyển không gian tập luyện yoga ra phòng khách. Thay vì thư thái, cô cảm thấy khó chịu vì có sự hiện diện của gia đình.

Tuy nhiên, cũng nhờ khoảng thời gian qua, chúng ta học được cách quản lý thời gian và năng lượng của mình tốt hơn. Sự hối hả và nhộn nhịp trước đây cho phép chúng ta dễ dàng tụ tập, đi chơi với bất kỳ ai vào bất cứ khi nào thuận tiện. Nhưng bây giờ, chúng ta biết cách đưa ra những lựa chọn có chủ đích hơn, cân nhắc cái nào mới là cần thiết.

Đại dịch cũng cho chúng ta thấy những vết nứt, vấn đề trong tâm lý mà chúng ta có thể đã bỏ qua, để chúng ta biết rằng mình cần tìm kiếm sự trợ giúp.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-nam-mat-mat-cua-nguoi-tre-trong-dai-dich-post1289065.html